Danh mục đầu tư là gì? Lợi ích của việc quản lý danh mục đầu tư (Phần 1)
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều cá nhân và gia đình đã tích lũy được nguồn tài chính ổn định, dẫn đến nhu cầu đầu tư ngày càng tăng cao để “tiền sinh ra tiền”. Đây là một nhu cầu chính đáng, không chỉ giúp tạo ra thu nhập từ nguồn vốn tiết kiệm mà còn góp phần tăng cường nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và tạo thêm việc làm cho xã hội.
Tuy vậy, việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp vẫn là một câu hỏi lớn đối với nhiều người. Trước đây, khi nền kinh tế chưa thực sự phát triển, các hình thức đầu tư chủ yếu chỉ xoay quanh việc gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Sau khi luật đất đai mới được ban hành, bất động sản trở thành một kênh đầu tư mới hấp dẫn. Hiện tại, các lựa chọn đầu tư đã phong phú hơn rất nhiều, từ trái phiếu, cổ phiếu cho đến các sản phẩm phái sinh, mang đến cho người dân và doanh nghiệp nhiều cơ hội hơn để gia tăng giá trị tài sản.
Sự đa dạng sản phẩm đầu tư sẽ đặt ra cho nhà đầu tư nhiều câu hỏi đó là: Đầu tư cái gì? Tỷ trọng đầu tư vào sản phẩm đó là bao nhiêu? Và thời gian nắm giữ sản phẩm đó là bao lâu? Đó là phần việc rất quan trọng của Danh mục đầu tư và quản lý danh mục đầu tư. Bài viết dưới đây Stock Insight sẽ làm rõ khái niệm danh mục đầu tư là gì cũng như lợi ích của việc quản lý danh mục đầu tư.
Mục Lục
Danh mục đầu tư là gì?
1. Định nghĩa danh mục đầu tư
Danh mục đầu tư (Investment Portfolio) là một tập hợp các tài sản đầu tư của một cá nhân hoặc tổ chức. Danh mục đầu tư thường bao gồm một loạt các loại tài sản khác nhau, như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền mặt… được sắp xếp, quản lý, theo dõi theo một chiến lược đầu tư cụ thể.
2. Mục tiêu của danh mục đầu tư là gì?
Mục tiêu chính của nhà đầu tư suy cho cùng là lợi nhuận, tuy nhiên trong đầu tư lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao cho nên mục tiêu của danh mục đầu tư là tối ưu hóa lợi nhuận với mức độ rủi ro chấp nhận được và phù hợp với nhà đầu tư.
Các loại tài sản đầu tư khác nhau với mức độ rủi ro khác nhau sẽ được phân bổ theo các tỷ trọng khác nhau sẽ giúp cho danh mục đầu tư phân tán bớt rủi ro khi gặp những biến cố không mong muốn. Trong giới đầu tư thường có câu “Không nên bỏ trứng vào một giỏ”, ở đây người ta ví tài sản của nhà đầu tư như các quả trứng rất quý và dễ vỡ, nếu bỏ hết vào một giỏ thì khi có sự cố va đập vào giỏ đó thì các quả trứng đều bị vỡ cũng như nhà đầu tư mất hết vốn.
Cho nên mục tiêu chính của việc xây dựng danh mục đầu tư là gì?
Câu trả lời chính là phân tán rủi ro cho nhà đầu tư, ngoài ra nó cũng giúp nhà đầu tư đa dạng các nguồn thu nhập dựa trên tài sản của mình. Việc xây dựng và quản lý danh mục đầu tư đòi hỏi nhà đầu tư phải xác định được mục tiêu, khả năng chịu đựng rủi ro, thời gian sử dụng các nguồn lực trong việc xây dựng danh mục, đồng thời với đó là thường xuyên đánh giá các tác động từ nhân tố bên ngoài đến danh mục để có những điều chỉnh phù hợp giúp danh mục hoạt động tối ưu hơn.
3. Các loại danh mục đầu tư phổ biến
Danh mục đầu tư có độ an toàn cao là khoản đầu tư có mức độ rủi ro thấp và thường với đó là lợi nhuận thấp. Danh mục đầu tư này thường bao gồm khoản vay ngắn hạn, trái phiếu… Những sản phẩm trong danh mục đầu tư này thường ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Danh mục đầu tư mạo hiểm là khoản đầu tư có mức độ rủi cao với kỳ vọng sẽ được lợi nhuận cao. Danh mục này thường bao gồm các cổ phiếu, các công ty startup, thậm chí là tiền số, các sản phẩm phái sinh,… Danh mục đầu tư mạo hiểm thường được quản lý bởi nhà đầu tư có chuyên môn cao, có độ nhạy cảm với thị trường và khả năng xử lý linh hoạt.
>> Xem thêm: Top 6 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Việt Nam
Danh mục đầu tư theo thu nhập: Danh mục này tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận thông qua các dòng tiền từ tài sản trong danh mục như các cổ phiếu chia cổ tức cao, các bất động sản cho thuê có dòng tiền ổn định hay đơn giản chỉ là các khoản gửi tiết kiệm.
Danh mục đầu tư hỗn hợp được xây dựng trên nguyên lý cân bằng rủi ro và lợi nhuận. Trong danh mục đầu tư hỗn hợp, một phần tài sản sẽ được nhà đầu tư phân bổ theo một tỷ lệ cố định, một phần khác sẽ điều chỉnh linh hoạt tùy theo điều kiện thị trường. Loại hình này sẽ giảm rủi ro trong trường hợp nếu một đầu mục giảm thì sẽ không kéo theo giá của các đầu mục khác.
Ngoài ra, người ta cũng có thể phân loại danh mục dựa vào tài sản mà danh mục đó nắm giữ như là: Danh mục đầu tư cổ phiếu, Danh mục đầu tư trái phiếu, Danh mục hỗn hợp hay danh mục cân bằng.
Lợi ích của việc quản lý danh mục đầu tư là gì?
1. Phân tán rủi ro
Mục đích chính của việc xây dựng danh mục đầu tư là phân tán rủi ro cho tài sản của nhà đầu tư. Chúng ta cùng lấy ví dụ về một danh mục đầu tư cổ phiếu. Trong danh mục đó sẽ có các cổ phiếu khác nhau với tỷ trọng khác nhau với hệ số beta khác nhau.
Trong danh mục mẫu ở trên CP1 có độ rủi ro cao nhất khi hệ số Beta là 2, tức là nếu thị trường giảm 20% thì cổ phiếu này giảm đến 40%. Nếu mà danh mục chỉ toàn cổ phiếu này thì rủi ro rất cao. Tuy nhiên việc đa dạng hóa danh mục lên 40 cổ phiếu giúp cho độ rủi ro của danh mục giảm đi. Nếu danh mục theo tỷ trọng 1 thì hệ số rủi ro chỉ ở mức 1.05 tức là gần như tương ứng với thị trường.
Trong bảng ví dụ ở trên nếu chúng ta tăng tỷ trọng của cổ phiếu có độ rủi ro cao (beta = 2) từ 10% lên 40% đồng thời giảm tương ứng với cổ phiếu có độ rủi ro thấp thì hệ số beta của toàn danh mục sẽ tăng từ 1.05 lên 1.5 tức là nếu thị trường tăng 20% thì danh mục mẫu của chúng ta tăng lên 30%, và ngược lại khi thị trường giảm 20% thì danh mục sẽ giảm đến 30%.
Trong khi nếu giữ nguyên tỷ trọng như ban đầu thì nếu thị trường giảm 20% thì danh mục của chúng ta cũng chỉ giảm 20% nhưng khi thị trường tăng thì danh mục đó cũng chỉ tăng 20%.
2. Tối ưu hóa lợi nhuận
Việc tối ưu hóa lợi nhuận trong danh mục đầu tư là gì? Cũng trong ví dụ ở Hình 2, danh mục mẫu nếu chúng ta tăng tỷ trọng của cổ phiếu có độ rủi ro cao (beta = 2) từ 10% lên 40% đồng thời giảm tương ứng với cổ phiếu có độ rủi ro thấp thì hệ số beta của toàn danh mục sẽ tăng từ 1.05 lên 1.5 tức là nếu thị trường tăng 20% thì danh mục mẫu của chúng ta tăng lên 30%, và ngược lại khi thị trường giảm 20% thì danh mục sẽ giảm đến 30%.
Trong khi nếu giữ nguyên tỷ trọng như ban đầu thì nếu thị trường giảm 20% thì danh mục của chúng ta cũng chỉ giảm 20% nhưng khi thị trường tăng thì danh mục đó cũng chỉ tăng 20%.
Như vậy, bằng việc quan sát theo dõi thị trường để gia tăng cổ phiếu có beta cao khi thị trường thuận lợi hoặc gia tăng cổ phiếu có beta thấp khi thị trường vào giai đoạn khó khăn giúp chúng ta tối ưu hóa được lợi nhuận và giảm thiểu các rủi ro trong đầu tư. Lợi ích của việc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau có tiềm năng sinh lời cao. Cách thức một danh mục đầu tư đa dạng có thể tận dụng các cơ hội từ các ngành công nghiệp và thị trường khác nhau.
3. Tùy chỉnh theo mục tiêu tài chính cá nhân
Việc đa dạng hóa các khoản đầu tư theo danh mục cũng giúp các nhà đầu tư có thể tùy chỉnh các mục tiêu tài chính cá nhân. Ví dụ, nhà đầu tư khi bước vào tuổi nghỉ hưu sẽ xây dựng danh mục có độ an toàn cao hơn khi ở lứa tuổi đang làm việc. Nhà đầu từ có kế hoạch trả tiền nhà hay học phí cho con cần một dòng tiền cố định sẽ xây dựng một danh mục phù hợp với mình để có khả năng trả các dòng tiền đó.
Cũng có thể nhà đầu tư dự định sẽ chi tiêu một khoản tiền lớn cho một mục đích nào đó vào một thời gian cụ thể cũng có thể xây dựng cho mình một danh mục để đảm bảo vẫn có thể thu được lợi nhuận nhưng vẫn có thể rút được khi đến thời gian mình cần.
>> Xem thêm: Làm thế nào để đạt được mục tiêu tài chính?
4. Giảm thiểu biến động thị trường
Việc giảm thiểu biến động thị trường thông qua danh mục đầu tư là gì? Qua bảng ở Hình 2 ta có thể thấy nếu tăng tỷ trọng CP4 có mức Beta thấp càng cao thì tác động của thị trường đến danh mục của nhà đầu tư càng ít, do đó khi thị trường biến động khó lường nhà đầu tư có thể điều chỉnh để tăng các tài sản ít biến động giúp cho danh mục trụ vững trước những biến động. Ngược lại, khi thị trường thuận lợi sẽ gia tăng các cổ phiếu có độ rủi ro cao để tối ưu lợi nhuận.
Do đó, việc xây dựng và đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu các tác động không mong muốn của thị trường nếu cần đồng thời cũng có thể giúp nhà đầu tư ổn định được lợi nhuận, dòng tiền tránh những rủi ro hệ thống gây mất vốn.
5. Kiểm soát tài chính tốt hơn
Tình hình tài chính của nhà đầu tư sẽ được kiểm soát chặt chẽ thông qua theo dõi biến động của thị trường và có mức điều chỉnh phù hợp giữa các loại tài sản có độ rủi ro khác nhau. Hiện nay có nhiều công cụ để giúp nhà đầu tư theo dõi hiệu quả của danh mục đầu tư và tỷ trọng, tỷ suất sinh lời/lỗ của các khoản đầu tư trong danh mục. Chính những công cụ này sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt được tình hình hoạt động của danh mục hằng ngày, thậm chí hằng giờ.
Kết luận
Câu hỏi danh mục đầu tư là gì đã được trả lời. Đối với nhà đầu tư việc đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, xây dựng danh mục đầu tư và quản lý danh mục đầu tư là việc làm quan trọng thường xuyên và cần thiết. Điều này mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư trong việc quản lý tài sản và dòng tiền của mình.
Xây dựng và quản lý danh mục đầu tư không những phải phù hợp với mục tiêu của nhà đầu tư mà thậm chí còn phải phù hợp với tính cách của nhà đầu tư nữa, điều đó giúp nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn trong công việc đầu tư cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
Như vậy, bài viết trên đã phần nào giới thiệu cho các bạn biết được danh mục đầu tư là gì. Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về quản lý và xây dựng danh mục đầu tư, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:
Phần 2: Làm thế nào để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả?
Phần 3: Chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư
Phần 4: Cách đánh giá và điều chỉnh Danh mục đầu tư
Phần 5: Chiến lược tái cân bằng Danh mục đầu tư
Phạm Thạch
Wealth Manager