Làm thế nào để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả? (Phần 2)

Ngày đăng: 28/10/2024 lượt xem

“Không nên bỏ trứng vào một giỏ” là câu nói cửa miệng của nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên đã đầu tư là phải chấp nhận có rủi ro nên việc bỏ trứng vào một giỏ hay nhiều giỏ hay chọn giỏ trứng nào là công việc của nhà đầu tư cần làm khi tham gia đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng.

Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett từng nói “Đa dạng hóa là sự bảo vệ chống lại sự thiếu hiểu biết. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn biết mình đang làm gì”. Điều đó có nghĩa là không phải cứ đa dạng hóa là giảm thiểu rủi ro, không phải cứ phân bổ cổ phiếu theo một danh mục mẫu nào đó là hiệu quả, bạn phải hiểu những điều bạn đang làm và những lý do để bạn xây dựng danh mục đó.

Bài viết này sẽ trình bày những gợi ý để bạn xây dựng cũng như quản lý danh mục đầu tư  một cách hiệu quả và phù hợp với mình.

quản lý danh mục đầu tư
Hình 1: Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett

Tại sao cần xây dựng và quản lý danh mục đầu tư?

Một nguyên tắc quan trọng để giảm thiểu rủi ro là đa dạng hóa danh mục đầu tư, tùy vào quy mô của danh mục và mục tiêu của nhà đầu tư sẽ có những phương thức đa dạng hóa danh mục đầu tư phù hợp. Tuy vậy, nếu chỉ xây dựng một danh mục đầu tư mà không quản lý căn chỉnh cho phù hợp với điều kiện thị trường thay đổi thì việc đa dạng hóa đó cũng trở nên vô nghĩa và kém hiệu quả.

Vì vậy, để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả nhà đầu tư cần phải xác định rõ các nội dung sau:

  • Mục tiêu của danh mục đầu tư là gì?
  • Thời gian hoạt động của danh mục?
  • Khả năng chịu đựng rủi ro của danh mục?

Sau khi xác định được các rõ các nội dung đó nhà đầu tư mới tiến hành các bước tiếp theo là đánh xác định các loại tài sản đầu tư, tỷ trọng phân bổ và chu kỳ đánh giá danh mục.

Nếu quản lý danh mục một cách máy móc thiếu sự đánh giá và căn chỉnh thì danh mục cũng sẽ gặp rủi ro không kém gì việc không quản lý danh mục!

Các bước xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả

Các bước xây dựng danh mục đầu tư

Hình 2: Bốn bước xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả

1. Xác định mục tiêu tài chính cá nhân

Bước đầu tiên chính là phải lập các mục tiêu tài chính cá nhân cụ thể cho danh mục của mình. Ví dụ, mmục tiêu của danh mục này để làm gì? Chi tiêu cá nhân, tiết kiệm mua nhà, hay đóng học phí cho con, hay bất cứ mục đích gì khác mà nhà đầu tư cá nhân cần xác định.

Cần xác định thời gian cụ thể cho danh mục đầu tư. Ngắn hạn thường là từ 6 tháng đến dưới 3 năm, trung hạn từ 3 đến 5 năm, dài hạn vào khoảng từ 5 năm đến 10 năm đối với nhà đầu tư cá nhân.

2. Đánh giá khả năng chịu rủi ro

Từ mục tiêu của việc quản lý danh mục đầu tư, nhà đầu tư sẽ xác định được khả năng chịu đựng rủi ro của danh mục của mình. Ví dụ, nếu mục tiêu của danh mục là chi tiêu cá nhân hoặc tiết kiệm để đi du lịch mua sắm thì khả năng chịu đựng rủi ro của danh mục sẽ lớn hơn mục tiêu là đóng học phí cho con hoặc trả tiền nhà.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu rủi ro của danh mục như tuổi tác, thường thì càng lớn tuổi thì mức độ chịu rủi ro càng ít do người càng lớn tuổi thì cơ hội sửa sai ít hơn người trẻ tuổi hơn. Tính cách của người chơi cũng một phần tác động đến khả năng chịu đựng rủi ro: Có người thích cảm giác mạo hiểm, người lại chọn cho mình cảm giác an toàn. Hơn nữa, nghề nghiệp cũng có thể tác động đến khả năng chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư cá nhân, thu nhập, kinh nghiệm đầu tư. 

3. Lựa chọn loại tài sản phù hợp

Từ xác định khả năng chịu đựng rủi ro, nhà đầu tư sẽ xác định được các loại tài sản nhà đầu tư nên có trong danh mục. Trong các loại tài sản mà nhà đầu tư có thể đầu tư hiện nay thì gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, mua vàng miếng của các thương hiệu uy tín được đánh giá có độ rủi ro thấp hơn cả, tiếp đến là trái phiếu của kho bạc nhà nước, trái phiếu ngân hàng cũng được đánh giá là có độ rủi ro thấp.

Trái phiếu của các doanh nghiệp lớn và uy tín trên thị trường cũng được xác định là có rủi ro khá thấp. Ở mức độ rủi ro cao hơn, chúng ta có trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, bất động sản, các quỹ đầu tư. Ở mức độ cao hơn nữa là các cổ phiếu blue chip, các cổ phiếu của các công ty nhà nước trên sàn, các cổ phiếu của các tập đoàn lớn. Và ở mức độ rủi ro cao là các cổ phiếu penny, các cổ phiếu đầu cơ.

Các loại tài sản khác như tiền số, công cụ phái sinh ở mức độ rất cao nên tôi xin phép không liệt kê ở đây.

4. Phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư

Từ việc xác định mức độ rủi ro của việc quản lý danh mục đầu tư chúng ta sẽ xây dựng được một danh mục đầu tư cụ thể. Đối với các nhà đầu tư chấp nhận độ rủi ro thấp hoặc là nhà đầu tư theo kiểu truyền thống (thường là người lớn tuổi) thì họ thường chọn các sản phẩm đầu tư như Vàng, gửi tiết kiệm hay bất động sản. Tuy nhiên, vàng và gửi tiết kiệm thường ko mang lại lợi nhuận cao. Bất động sản thường dành cho nhà đầu tư có vốn lớn nhưng cũng ít lựa chọn và kém thanh khoản hơn.

>> Xem thêm: Các kênh đầu tư tối ưu nguồn lực tài chính

Xu hướng của thế giới và giới trẻ hiện nay sở hữu tài khoản đầu tư bằng cổ phiếu là một điều tất yếu. Đầu tư vào cổ phiếu cũng là một cách thức giúp cho nguồn lực xã hội ngày càng phát triển tạo nguồn vốn và động lực để phát triển kinh tế nói chung.

Bài viết này xin lấy ví dụ về việc phân bổ tài sản bằng các cổ phiếu với các mức độ rủi ro khác nhau được đánh giá qua hệ số Beta, đây là hệ số đo lường sự biến động của cổ phiếu so với biến động chung của thị trường. Hệ số này được tính toán đầy đủ ở các trang web chuyên về tài chính như cafef.vn hay vietstock.vn hoặc các trang web về tài chính khác.

tại sao phải đa dạng hóa danh mục đầu tư
Hình 3: Danh mục mẫu với 4 cổ phiếu hệ số Beta khác nhau

Trong Hình 3 có ta một ví dụ về phân bổ các cổ phiếu với các tỷ trọng khác nhau sẽ cho một danh mục có hệ số beta khác nhau. Rõ ràng Danh mục với Tỷ trọng 1 sẽ có độ rủi ro thấp hơn danh mục có Tỷ trọng 2.

Theo dõi và quản lý danh mục đầu tư

1. Theo dõi hiệu suất của danh mục đầu tư

Thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu suất trong quá trình quản lý danh mục đầu tư là việc làm cần thiết của nhà đầu tư. Tất nhiên việc theo dõi quá thường xuyên đối với những tài sản hay biến động như cổ phiếu lại là một điều không nên. Việc theo dõi quá thường xuyên sẽ dẫn đến tâm lý bất an đối với các tài sản mà mình đang nắm giữ khi thị trường có biến động mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi danh mục của mình vào những kỳ đánh giá nhất định ví dụ như cuối ngày, cuối tuần hoặc là khi có sự kiện bất thường.

Hiện nay có rất nhiều công cụ để theo dõi và đánh giá hiệu quả danh mục đầu tư, trước đây nhiều nhà đầu tư phải theo dõi “bằng tay” thông qua phần mềm Excel của Microsoft thì ngày nay hầu hết các công cụ giao dịch của các công ty chứng khoán đều đã hỗ trợ việc này.

>> Xem thêm: HSC ONE – Web chứng khoán chuyên nghiệp cho nhà đầu tư

2. Điều chỉnh danh mục đầu tư định kỳ

Trong quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu nhà đầu tư cần định kỳ điều chỉnh danh mục đầu tư để phù hợp với các mục tiêu của mình hoặc những biến đổi của thị trường hoặc nôm na chỉ là “nhổ cỏ trồng hoa” cho danh mục của mình. “Nhổ cỏ trồng hoa” là một khái niệm khi nhà đầu tư quan sát trong danh mục có những cổ phiếu không tốt, thua lỗ quá giới hạn sẽ được dần loại bỏ và gia tăng các cổ phiếu có kỳ vọng tăng giá tốt hơn. Việc làm này cũng giúp cho danh mục an toàn hơn với các biến động của thị trường.

3. Quản lý rủi ro trong danh mục đầu tư

Rủi ro trong việc quản lý danh mục đầu tư là điều không thể tránh khỏi. Quản lý rủi ro cho danh mục đầu tư giúp nhà đầu tư bám sát mục tiêu của mình, đối với danh mục đầu tư chứng khoán nhà đầu tư nên tránh những sai lầm sau đây để hạn chế rủi ro cho danh mục của mình:

  • Danh mục sở hữu quá nhiều cổ phiếu, điều này làm nhà đầu tư khó kiểm soát, khó theo dõi, khó xử lý khi thị trường biến động mạnh.
  • Không có các điểm dừng lỗ phù hợp, đối với cổ phiếu việc dừng lỗ là công việc cần thiết để tồn tại được trên thị trường đầy biến động. Nếu không có các điểm dừng lỗ thì từ những khoản lỗ nhỏ sẽ dần dần biến thành những khoản lỗ lớn dẫn đến mất kiểm soát đối với danh mục.
  • Không thực hiện “Nhổ cỏ trồng hoa” định kỳ.

Thậm chí khi thị trường biến động mạnh, khó kiểm soát nhà đầu tư cần phải có những công cụ “bảo hiểm” đối với danh mục của mình như là sử dụng các công cụ phái sinh, tăng tỷ lệ tiền mặt. 

Kết luận

Việc xây dựng và quản lý danh mục đầu tư là một việc làm quan trọng, thiết yếu đối với nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chứng khoán nói riêng. Thông qua việc xây dựng và quản lý danh mục nhà đầu tư sẽ vận hành danh mục bám sát mục tiêu của mình cũng nhưng nâng cao tính hiệu quả của danh mục.

Để thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý danh mục đầu tư thì cá nhân cần xác định rõ mục đích, thời gian và mức độ chấp nhận rủi ro trước khi tiến hành đầu tư. Sau đó nhà đầu tư sẽ tiến hành phân bổ các nguồn lực vào những tài sản phù hợp để có một danh mục thích hợp. Đồng thời, trong quá trình đầu tư cũng phải thường xuyên đánh giá, điều chỉnh để danh mục của mình đi đúng với mục đích đề ra ban đầu.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về quản lý danh mục đầu tư, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 1: Danh mục đầu tư là gì? Lợi ích của việc quản lý danh mục đầu tư
Phần 3: Chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư
Phần 4: Cách đánh giá và điều chỉnh Danh mục đầu tư
Phần 5: Chiến lược tái cân bằng Danh mục đầu tư

 

Phạm Thạch
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Những yếu tố ảnh hưởng đến thị giá của nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm

Những yếu tố ảnh hưởng đến thị giá của nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm

Thực phẩm và đồ uống là những nhu cầu thiết yếu của con người. Ngành công nghiệp lương thực thực phẩm là ngành công nghiệp lớn mang tính đặc biệt...

DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA

DCA là gì trong đầu tư chứng khoán? 8 cách áp dụng DCA cho hiệu quả đầu tư

  DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA DCA là gì? DCA (Dollar-Cost Averaging) là một chiến lược đầu tư mà nhà đầu tư sẽ chia nhỏ nguồn vốn...

FPT - Đại hội cổ đông 2024

FPT – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

Ngày 10.04.2024, Công ty cổ phần FPT đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên với những nội dùng chính sau: Kế hoạch kinh doanh năm 2024:...