Học cách quản lý rủi ro để đầu tư trái phiếu an toàn (Phần 3)

Ngày đăng: 25/09/2024 lượt xem

Trong đầu tư trái phiếu, việc quản lý rủi ro là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn. Những nhà đầu tư khôn ngoan không chỉ dựa vào lãi suất hấp dẫn mà còn phải hiểu rõ các yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Ở phần 3 này, chúng ta sẽ đi sâu vào các chiến lược giúp bạn nhận diện, đánh giá và kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ danh mục đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.

Tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Như đã đề cập ở phần 1, đầu tư trái phiếu mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như: Tạo dòng thu nhập cố định; an toàn hơn so với cổ phiếu; thanh khoản cao hơn so với các kênh đầu tư như bất động sản dân cư, bất động sản thương mại; đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Mặt dù trái phiếu được coi là một tài sản an toàn, việc đầu tư trái phiếu vẫn có những rủi ro nhất định. Rủi ro có thể khiến nhà đầu tư bị mất một phần vốn đầu tư hoặc mất toàn bộ vốn đầu tư. Việc quản lý rủi ro là rất cần thiết để gia tăng hiệu quả đầu tư vào trái phiếu.

Các rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu

Đầu tư trái phiếu là gì

Rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu

Rủi ro tín dụng/Rủi ro vỡ nợ

Rủi ro vỡ nợ là khả năng tổ chức phát hành trái phiếu sẽ phá sản và không thể thanh toán các nghĩa vụ của mình đúng hạn. Nếu bên phát hành trái phiếu vỡ nợ, nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc mất toàn bộ khoản đầu tư ban đầu. Đây là rủi ro quan trọng nhất trong quá trình quản lý rủi ro đầu tư trái phiếu.

Khi một nhà đầu tư mua trái phiếu có nghĩa là họ đang cho người khác vay tiền. Không phải con nợ nào cũng trả nợ đúng cam kết. Thị trường trái phiếu Việt Nam đã xảy ra hàng loạt các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp như như Novaland, Tân Hoàng Minh, Egroup, vân vân.

Trên thị trường trái phiếu quốc tế, ngay cả trái phiếu chính phủ – loại trái phiếu được cho là rủi ro thấp nhất vẫn có khả năng vỡ nợ, chẳng hạn vỡ nợ trái phiếu chính phủ Hy Lạp, Sri Lanka, Argentina. Rủi ro vỡ nợ có thể khiến nhà đầu tư bị thiệt hại toàn bộ vốn đầu tư, quy mô thiệt hại nặng nề hơn tất cả các loại rủi ro khác. Do đó, đánh giá rủi ro vỡ nợ là bước đầu tiên khi lựa chọn trái phiếu để đầu tư. 

Rủi ro lãi suất 

Rủi ro lãi suất đối với người mua trái phiếu là rủi ro rủi ro lãi suất tăng trong quá trình đang nắm giữ trái phiếu. 

Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lãi suất: Tức là khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm; khi lãi suất giảm, giá trái phiếu tăng.

Khi nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, việc lãi suất tăng sẽ khiến giá trái phiếu giảm và khi bán ra có thể khiến nhà đầu tư chịu một khoản lỗ.

Tuy nhiên rủi ro lãi suất không phải là rủi ro quan trọng nếu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tới lúc đáo hạn.

Rủi ro tái đầu tư

Rủi ro tái đầu tư là khi nhà đầu tư nhận về tiền lãi và gốc của trái phiếu nhưng phải đầu tư ở mức lãi suất thấp hơn. Rủi ro tái đầu tư xuất hiện khi lãi suất thị trường đi xuống.

Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản liên quan tới chi phí để bán ra trái phiếu. Trái phiếu chính phủ có thanh khoản khá cao và dễ bán. Nhưng trái phiếu doanh nghiệp là một câu chuyện khác. Có nguy cơ nhà đầu tư không thể bán được trái phiếu doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng, nhà đầu tư phải trả một mức hoa hồng môi giới cao để tìm được người mua và phải bán ở mức giá thấp hơn so với giá trị thực của trái phiếu.

Rủi ro lạm phát

Lạm phát làm xói mòn sức mua của tiền, vì vậy nó có thể làm giảm lợi nhuận thực của trái phiếu. Chẳng hạn, nếu bạn nắm giữ trái phiếu trả lãi 4%/năm trong khi tỷ lệ lạm phát là 5%/năm thì lợi nhuận thực của bạn là âm 1%.

Chiến lược quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu

Quản lý rủi ro vỡ nợ

Các nhà đầu tư phải cân nhắc khả năng vỡ nợ trước khi quyết định đầu tư. Có thể đánh giá khả năng vỡ nợ như sau:

  • Dựa vào xếp hạng tín dụng của các tổ chức đánh giá tín dụng độc lập: Như Moody’s, Standard & Poor, Fitch. Tại Việt Nam, Fiingroup là tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu có thể tham khảo. Đây là phương pháp đơn giản và nhanh chóng, hãy để các chuyên gia làm việc thay cho bạn. Rủi ro tín dụng của một trái phiếu được xếp hạng từ A tới D, tương ứng với rủi ro tín dụng rất thấp cho tới rủi ro tín dụng rất cao hoặc đã vỡ nợ.
Chiến lược quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu
Xếp hạng tín dụng
  • Tự phân tích báo cáo tài chính của tổ chức phát hành. Đánh giá sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành dựa vào các chỉ số thanh toán, chỉ số thanh khoản, dòng tiền tự do, thay đổi tài sản và nợ.
  • Kết hợp xếp hạng tín dụng của các tổ chức với đánh giá của bản thân.

Quản lý rủi ro lãi suất và rủi ro tái đầu tư

Rủi ro lãi suất và rủi ro tái đầu tư có quan hệ đối nghịch nhau.

Khi lãi suất tăng, rủi ro lãi suất trở nên đáng kể hơn vì giá của trái phiếu giảm, tuy nhiên cùng lúc đó thì rủi ro tái đầu tư giảm vì nhà đầu tư nhận lãi và gốc có thể thực hiện các khoản đầu tư mới với lãi suất cao hơn.

Ngược lại, khi lãi suất giảm, rủi ro tái đầu tư tăng vì nhà đầu tư nhận lãi và gốc về phải tái đầu tư ở mức lãi suất thấp hơn, cùng lúc đó thì rủi ro lãi suất giảm khi giá của trái phiếu tăng.

Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tới khi đáo hạn sẽ chịu rủi ro lãi suất thấp hơn tương đối so với rủi ro tái đầu tư của cùng một trái phiếu; trong khi bán trái phiếu trước khi đáo hạn thì chịu rủi ro tái đầu tư thấp hơn tương đối so với rủi ro lãi suất của cùng một trái phiếu.

Hiểu được quan hệ đối nghịch của rủi ro lãi suất và rủi ro tái đầu tư là điều rất quan trọng để quản trị tốt một danh mục đầu tư trái phiếu.

Để quản lý rủi ro tái đầu tư và rủi ro lãi suất, nhà đầu tư có thể sử dụng Chiến lược Ladder và Chiến lược Barbell, kết hợp dự báo diễn biến lãi suất, tính toán thời điểm đáo hạn, tái cân bằng danh mục và tái đầu tư.

Quản lý rủi ro lạm phát

Trong môi trường lạm phát cao và khó lường, nhà đầu tư nên ưu tiên trái phiếu có lãi suất thả nổi để bắt kịp lạm phát. Trái phiếu có lãi suất thả nổi là các trái phiếu mà lãi suất được điều chỉnh định kỳ theo lãi suất tham chiếu của thị trường, khi lạm phát tăng, lãi suất thị trường sẽ tăng và lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn tỷ lệ lạm phát.

Đa dạng hóa danh mục

Đa dạng hóa danh mục đem lại cho bạn 3 lợi ích chính:

  1. Giảm thiểu rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro tái đầu tư.
  2. Tăng lợi nhuận sau khi đã điều chỉnh rủi ro.
  3. Khả năng tiếp cận với hàng loạt tính năng khác nhau của các trái phiếu khác nhau.

Tuy vậy, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trái phiếu là một công việc phức tạp, mất thời gian và cực kỳ tốn kém chi phí đối với nhà đầu tư cá nhân. Do đó, nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu đa dạng hóa nên cân nhắc mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu.

Kết luận

Quản lý rủi ro là một phần không thể thiếu trong hoạt động đầu tư trái phiếu. Nhà đầu tư cần chủ động học hỏi và áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro để đạt được mục tiêu tài chính an toàn và bền vững. 

Mở tài khoản giao dịch trái phiếu tại HSC để tiếp cận các sản phẩm trái phiếu đa dạng và cơ hội đầu tư an toàn, lợi nhuận ổn định.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 1: Trái phiếu là gì? Phân biệt trái phiếu và cổ phiếu
Phần 2: Xây dựng chiến lược đầu tư trái phiếu
Phần 4: Đầu tư trái phiếu: Những cạm bẫy mà nhà đầu tư thường mắc phải

 Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Warren Buffett

Warren Buffett là ai? Triết lý đầu tư nên học hỏi từ Warren Buffett

Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư hàng đầu và được biết đến rộng rãi trên thế giới. Ông là nhà kinh doanh thành công, một nhà từ...

mua chứng chỉ quỹ ở đâu thì tốt

Mua chứng chỉ quỹ ở đâu thì tốt? Hướng dẫn mua an toàn

Chứng chỉ quỹ thể hiện sự quyết định của một nhà đầu tư về việc thay vì mua trực tiếp các tài sản này, người đầu tư sở hữu một...

tỷ suất sinh lời

Tỷ suất sinh lời là gì? Mối liên hệ với quản trị vốn bạn không nên phớt lờ

Tỷ suất sinh lời là gì? Tỷ suất sinh lời (tỷ suất sinh lợi) là tỷ lệ giữa tổng lợi nhuận thu được và tổng số vốn đầu tư trong...