Chu kỳ thị trường là gì? 4 giai đoạn quan trọng của chu kỳ thị trường

Ngày đăng: 29/07/2024 lượt xem

Khi xem lại lịch sử diễn biến giá của cổ phiếu hay chỉ số chứng khoán trong thời gian dài, chúng ta có thể nhận thấy rằng diễn biến giá tăng rồi lại giảm rồi lại tăng, cứ như thế lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian hình thành các giai đoạn chu kỳ. Vậy chu kỳ thị trường chứng khoán là gì?

Chu kỳ thị trường là gì?

Chu kỳ thị trường chứng khoán là sự biến động thường xuyên và lặp lại của giá cả trong một khoảng thời gian nhất định trên thị trường chứng khoán. Chu kỳ chứng khoán được xác định bằng khoảng cách từ đáy bắt đầu đến đáy kết thúc của một chu kỳ. Điểm kết thúc của một chu kỳ này cũng đồng thời là điểm bắt đầu của chu kỳ sau.

Có nhiều cách xác định khung thời gian của một chu kỳ thị trường chứng khoán, nhưng trong giới hạn bài viết này Stock Insight muốn đề cập thời khung thời gian có tính tương đồng với chu kỳ kinh tế.

Chu kỳ gần nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam ta có thể thấy là chu kỳ kéo dài từ 3/2020 đến 11/2022.

Một chu kỳ thị trường chứng khoán được chia thành 4 giai đoạn để phân tích như sau: Tích lũy, Tăng giá, Phân phối, Giảm giá. 

chu kỳ thị trường
Mô phỏng 4 giai đoạn của chu kỳ TTCK. Nguồn ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

4 giai đoạn quan trọng của chu kỳ thị trường chứng khoán

1. Giai đoạn Tích lũy (Accumulation Phase)

Giai đoạn tích lũy là giai đoạn đầu tiên của chu kỳ thị trường chứng khoán. Giai đoạn này thường xảy ra vào cuối của giai đoạn suy thoái – đầu giai đoạn hồi phục trong chu kỳ kinh tế. Ở giai đoạn này nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn suy thoái, khiến tình kinh doanh khó khăn, thậm chí doanh nghiệp thua lỗ, triển vọng kinh tế ảm đạm.

Làm niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp cực hạn, tâm lý chán nản buông bỏ diễn trên toàn thị trường. Thậm chí tình hình khó khăn còn làm nhà đầu tư phải tạm thời bán các khoản đầu tư của mình để dồn thanh khoản cho các hoạt động khác cấp thiết hơn. Điều đó làm cho định giá của cổ phiếu xuống thấp, thậm chí xuống dưới mức giá trị.

Trong giai đoạn này các nhà tạo lập của cổ phiếu, những nhà đầu tư am hiểu doanh nghiệp, có tiềm lực tài chính dồi dào, có niềm tin và sự kiên nhẫn với sự hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua tích lũy cổ phiếu. Giai đoạn này diễn biến giá cổ phiếu thường giao động trong biên độ hẹp với khối lượng thấp dần. Do đó giai đoạn này những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn thường chán nản, dễ dàng bỏ cuộc.

Không có khung thời gian nhất định cho giai đoạn này. Nhưng có thể phán đoán giai đoạn này kết thúc bằng việc bùng nổ khối lượng và giá trong một thời gian tích lũy tương đối. Khi đó cũng là lúc có những chuyển biến trong hoạt động kinh doanh làm cho thị trường bắt đầu để ý và đẩy mạnh việc mua vào kiến giá và khối lượng giao dịch đột biến.

2. Giai đoạn Tăng giá (Mark-Up Phase)

Giai đoạn tăng giá diễn ra ngay sau giai đoạn tích lũy. Giai đoạn thường xảy ra vào cuối giai đoạn hồi phục và trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ kinh tế, cũng thường là giai đoạn diễn ra trong thời gian dài nhất của chu kỳ thị trường chứng khoán.

Ở giai đoạn tăng giá, tình hình kinh tế bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc và tiến triển theo hướng phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư hưng phấn và tin tưởng vào triển vọng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Đồng thời, hoạt động kinh tế khởi sắc làm dòng tiền trong nền kinh tế trở nên dồi dào hơn, kéo theo dòng tiền trong thị trường chứng khoán cũng trở nên dồi dào hơn.

Dẫn đến, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn và thôi thúc nhà đầu tư tham gia vào thị trường đẩy thị trường phát triển lên vùng cao mới.

Giai đoạn này phần lớn các thành phần trên thị trường đều hào hứng tham gia, từ đó đẩy giá và khối lượng đều tăng trưởng mạnh mẽ phá vỡ ngưỡng kháng cự (break). Điều này làm động lượng của cổ phiếu chuyển từ trung tính sang mạnh mẽ. Lại càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm vào cổ phiếu kiến cho xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra cho đến khi kết thúc giai đoạn.

Giai đoạn tăng giá thường kết thúc khi sau một thời gian khá dài tăng giá, giá cổ phiếu đã được đẩy lệnh mặt bằng định giá rất cao và trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này giá cổ phiếu thường tăng khá nhanh, do đó nhà đầu tư có thể nhanh chóng kiếm được lợi nhuận cao. Tình hình kinh tế diễn ra thuận lợi nên dễ khiến nhà đầu tư trở nên tự mãn và chủ quan. 

3. Giai đoạn Phân phối (Distribution Phase)

Giai đoạn phân phối diễn ra tiếp theo giai đoạn tăng giá, thường xảy ra vào cuối giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ kinh tế. Giai đoạn này nền kinh tế phát triển đến mức độ cực thịnh động lực tăng trưởng trở nên bão hòa, trong khi giá cổ phiếu đã được đẩy lên mức rất đắt đỏ. 

Điều đó đã đạt đến kỳ vọng của những nhà tạo lập, những nhà đầu tư đã kiên nhẫn mua trong suốt giai đoạn tích lũy của cổ phiếu bắt đầu bán ra và chốt lời khoản đầu tư. Điều đó nhanh chóng làm tăng cung cổ phiếu và khối lượng giao dịch cũng thường đạt đỉnh trong giai đoạn này nhưng giá lại gần như không tăng.

Do tâm lý lạc quan, hưng phấn sau một giai đoạn tăng giá dài, nên những nhà đầu tư mới sẵn sàng chấp nhận mua với hi vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Những nhà đầu tư mới lại không đủ sự tập trung và sức mạnh để đẩy giá lên vùng cao mới.

Trong giai đoạn này thường hình thành các mẫu hình giảm giá như vai đầu vai, 2 đỉnh, 3 đỉnh. Giai đoạn phân phối cũng dễ bị gây nhầm lẫn với giai đoạn tích lũy khi đều giao dịch trong biên độ hẹp và giá gần như không tăng, tuy nhiên 2 giai đoạn này có sự khác nhau là giai đoạn tích lũy thì mức định giá của cổ phiếu còn rẻ, còn giai đoạn phân phối thì mức định giá của cổ phiếu đã trở nên đắt đỏ.

4. Giai đoạn Giảm giá (Mark-Down Phase)

Giai đoạn giảm giá là giai đoạn cuối trong một chu kỳ thị trường chứng khoán, diễn ra ngay sau giai đoạn phân phối. Giai đoạn này thường xảy ra vào giai đoạn suy thoái của chu kỳ kinh tế. Sau khi nhà tạo lập đã phân phối xong cổ phiếu của họ, cổ phiếu được sang tay cho những nhà đầu tư mới có sức mạnh phân tán, làm thị trường thiếu đi sự dẫn dắt tập trung. 

Đồng thời, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những tín hiệu xấu và bước vào giai đoạn suy thoái. Những nhà đầu tư mới mua trong giai đoạn phân phối bắt đầu thiếu kiên nhẫn và sợ hãi bán ra. Tuy nhiên, do tạo lập đã rút lui từ trước nên lúc này cầu trên thị trường yếu đi, dẫn đến giá bắt đầu giảm xuống. Giá giảm xuống lại càng khiến nhà đầu tư trở nên sợ hãi và bán nhiều hơn nữa, đẩy giá giảm xuống nhanh chóng hơn.

Giai đoạn này thường kết thúc khi nhà đầu tư trở nên sợ hãi cực độ và bán tháo bất chấp trên thị trường, thậm chí đẩy giá cổ phiếu xuống dưới mức giá trị. Khi đó những nhà đầu tư giá trị bắt đầu bắt cổ phiếu đang được bán rẻ, khiến cho khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình ngày của giai đoạn giảm giá. Kết thúc giai đoạn giảm giá lại bắt đầu một giai đoạn tích lũy mới.

>>> Cập nhật nhanh nhất tin tức & diễn biễn thị trường? Mở tài khoản và nhận tư vấn từ HSC: https://register.hsc.com.vn/

Các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường chứng khoán, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến các yếu tố: Yếu tố kinh tế vĩ mô, Tâm lý thị trường, Sự kiện chính trị và kinh tế toàn cầu.

1. Các yếu tố kinh tế vĩ mô

Có thể nói yếu tố kinh tế vĩ mô là yếu tố cơ bản chính, quyết định chu kỳ thị trường chứng khoán. Vì suy cho cùng động lực tăng trưởng bền vững của cổ phiếu cũng phải đến từ động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và lợi nhuận. Điều đó nằm trong sự phát triển nói chung của nền kinh tế. Khi GDP tăng trưởng doanh nghiệp có nhiều việc làm hơn, có nhiều cơ hội tìm kiếm được lợi nhuận hơn, và biên lợi nhuận được cải thiện tốt hơn. Hiệu quả sinh lời cho cổ đông cao hơn, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào doanh nghiệp hơn, khi đó chứng khoán tăng trưởng.

Lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vốn doanh nghiệp và hành vi của nhà đầu tư. Khi lãi suất giảm làm chi phí vốn của doanh nghiệp giảm từ đó trực tiếp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mặt khác, lãi suất giảm làm giảm tiền lãi gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, từ đó nhà đầu tư có xu hướng muốn chuyển dịch vốn sang những khoản đầu tư có tính rủi ro cao hơn như chứng khoán để hưởng mức lợi nhuận cao hơn. Từ đó chứng khoán tiếp tục tăng trưởng. Và ngược lại khi lãi suất tăng cao sẽ làm chứng khoán giảm giá.

Lạm phát cao có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế. Lạm phát cao ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, từ đó nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ giảm, làm giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó làm giảm lợi suất của việc đầu tư cổ phiếu. Mặt khác lạm phát cao có thể khiến Ngân hàng Trung ương thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để bảo vệ nền kinh tế tránh bị đổ vỡ, từ đó làm tăng lãi suất.

Tỷ giá hối đoái trong một số trường hợp cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tỷ giá hối đoái biến động mạnh có thể làm hưởng lợi nhuận của những doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi quy đổi sang đồng nội tệ. Mặt khác tỷ giá hối đoái cũng có ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, và giá thành nguyên vật liệu nhập khẩu. Ngoài ra, nếu tỷ giá mất giá quá nhanh có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút lui. Từ đó làm thiếu hụt thanh khoản trên thị trường.

2. Tâm lý thị trường

Thị trường chứng khoán không chỉ là thị trường của kinh tế – tài chính, mà còn là thị trường của các yếu tố tâm lý và niềm tin. Nhà đầu tư dễ bị cuốn theo những trạng thái tâm lý nghi ngờ, hi vọng, hưng phấn, tham lam, sợ hãi, hoảng loạn, tuyệt vọng.

Để nói sự ảnh hưởng của yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán có lẽ sẽ không có câu nào xúc tích mà hoàn hảo hơn câu nói của nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Sir John Templeton: 

“Thị trường giá lên sinh ra trong bi quan, lớn lên bằng sự hoài nghi, trưởng thành nhờ sự lạc quan và chết đi bởi sự hưng phấn, thỏa mãn.”

chu kỳ thị trường chứng khoán
Diễn biến tâm lý trên thị trường chứng khoán. Nguồn ảnh: internet

3. Sự kiện chính trị và kinh tế toàn cầu

Điểm mạnh nhất cũng chính là điểm yếu nhất của thị trường chứng khoán chính là tính thanh khoản. Nơi dòng tiền có thể dễ dàng tham gia và luân chuyển giữa các quốc gia trên thế giới. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thông tin được đưa đến nhà đầu tư một cách nhanh chóng.

Các sự kiện kinh tế – chính trị lớn trên toàn cầu có thể làm thay đổi môi trường kinh doanh từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thị trường chứng khoán các thông tin này nhanh chóng được nhà đầu tư tiếp nhận và phản ánh trực tiếp vào định giá của cổ phiếu, dẫn đến những biến động trên thị trường chứng khoán.

Trong một số trường hợp rủi ro cũng đem lại cơ hội khi thị trường đã chiết khấu sâu, và khi đánh giá lại tác động của sự kiện đó không tiêu cực như thị trường đã hành động.

Kết luận

Thị trường chứng khoán cơ bản vẫn vận hành theo nguyên lý thị trường như các thị trường khác, là nơi diễn ra sự cân bằng giữa cung là cổ phiếu có trong tay các nhà đầu tư trên thị trường và cầu là dòng tiền sẵn tham gia vào thị trường. Do đó tính chu kỳ là tính chất tất yếu trong sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Hiểu được nguyên lý vận hành của chu kỳ thị trường sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn trong các quyết định của mình, phân bổ và quản trị danh mục đầu tư của mình hiệu quả hơn, hạn chế được rủi ro và tận dụng được cơ hội trong thị trường, từ đó gia tăng lợi nhuận. Nhà đầu tư theo dõi Stock Insight để nhận được nhiều thông tin hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư.

Lâm Quách
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

tự học chứng khoán

Khóa học đầu tư chứng khoán cơ bản cho người mới bắt đầu

Khóa học đầu tư chứng khoán online phù hợp với các đối tượng: Nhà đầu tư mới tìm hiểu về chứng khoán, chưa biết chứng khoán là gì Nhà đầu tư chưa...

Mô hình harmonic - Mô hình con dơi

Mô hình Harmonic trong giao dịch: Hiệu quả hay rủi ro?

Mô hình Harmonic là mô hình giá nâng cao tương đối phức tạp rất khó xác định nhưng Harmonic lại là một trong những mô hình giao dịch hiệu quả...

lợi tức là gì

Lợi tức là gì? Phân loại và công thức tính lợi tức dễ hiểu

Trong cuộc sống và kinh doanh, lợi tức (profit) là một thuật ngữ quan trọng mà chúng ta thường nghe đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về...