Phương pháp Price Action – Các chiến lược giao dịch Price Action hiệu quả nhất

Ngày đăng: 17/07/2024 lượt xem

Price Action là một trong những kỹ thuật giao dịch phổ biến và hiệu quả nhất trong thị trường tài chính. Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về phương pháp Price action, từ cách nhận diện các mô hình giá đến việc áp dụng những chiến lược giao dịch hiệu quả nhất. Dù bạn là nhà giao dịch mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm, hiểu rõ và nắm vững Price Action sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đầu tư chính xác và tối ưu hóa lợi nhuận.

Tổng quan về Phương pháp Price action

Phương pháp Price action là gì?

Hành động giá (Price action hay PA) được hiểu là chuyển động của giá chứng khoán theo thời gian, được vẽ thành biểu đồ nến và khối lượng.

Phương pháp Price action là phương pháp phân tích kỹ thuật hoàn toàn dựa vào hành động giá, tức là chỉ dựa vào các chuyển động của giá và khối lượng, không sử dụng chỉ báo kỹ thuật, tin tức kinh tế hay phân tích cơ bản.

Nhà giao dịch Price action tin rằng tất cả mọi thông tin liên quan tới chứng khoán đều đã được phản ánh vào giá và khối lượng, không cần thiết phải phân tích tin tức kinh tế. Giá và khối lượng là đầu vào để tính toán ra mọi chỉ báo kỹ thuật nên tất cả chỉ báo kỹ thuật đều có độ trễ và đi sau giá, không cần thiết phải dựa vào chỉ báo kỹ thuật.

Phương pháp Price action giao dịch với biểu đồ tối giản nên còn được gọi là Naked trading (giao dịch trần trụi).

phương pháp price action
Biểu đồ Price Action vs biểu đồ có chỉ báo kỹ thuật

Sử dụng Price Action như thế nào? 

Phương pháp Price action được các nhà giao dịch cá nhân, nhà đầu cơ, nhà kinh doanh chênh lệch giá (arbitrageur), các quỹ đầu cơ và các nhà giao dịch bằng thuật toán sử dụng để kiếm lời trong các giao dịch ngắn hạn.

Nhà giao dịch sử dụng Price action sẽ chỉ tập trung vào giá và khối lượng. Từ hai dữ liệu này, có thể xác định được xu hướng, các mức hỗ trợ, kháng cự và các mẫu hình nến, mẫu hình biểu đồ để dự đoán hướng đi của giá.

7 yếu tố tạo nên chiến lược Price action thành công

Giá – dữ liệu quan trọng nhất

Nhà giao dịch hành động giá tập trung chủ yếu vào thay đổi giá chứng khoán. Giá hình thành các mẫu hình nến và mẫu hình biểu đồ, chẳng hạn như nến nhấn chìm, hai đáy, vai đầu vai,… các loại mẫu hình chứa các thông tin cần thiết như: tâm lý thị trường, cung và cầu, động lượng, giá mục tiêu, điểm mua bán.

Xu hướng

Xu hướng là yếu tố quan trọng để xác định bức tranh toàn cảnh và dự báo vị trí của giá trong tương lai. Phương pháp Price action sử dụng đường xu hướng, kênh xu hướng và cấu trúc đỉnh-đáy để xác định xu hướng.

Kháng cự và hỗ trợ

Nhà giao dịch hành động giá xác định kháng cự và hỗ trợ trên biểu đồ. Các vị trí này là điểm ra vào tiềm năng để thực hiện giao dịch. Phương pháp Price action xác định kháng cự và hỗ trợ dựa vào các đỉnh đáy cũ, đường xu hướng, vùng cung/cầu, khoảng trống giá (gap) và một số mẫu hình nến.

Quản trị rủi ro

Phương pháp Price action nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị rủi ro. Các tín hiệu mua bán luôn đi cùng một ngưỡng cắt lỗ để xác định giới hạn rủi ro và điều chỉnh khối lượng vị thế để quản trị rủi ro hiệu quả.

Khung thời gian

Phương pháp Price action có thể được áp dụng trên tất cả các khung thời gian từ ngắn hạn (1 phút) tới trung hạn (1 tuần/1 tháng). Nhà giao dịch cần lựa chọn khung thời gian phù hợp với phong cách giao dịch của bản thân.

Price action cũng có thể được dùng trong phân tích đa khung thời gian: thực hiện phân tích trên khung thời gian lớn và tìm kiếm điểm vào lệnh trên khung thời gian nhỏ hơn.

Thiết lập giao dịch và tín hiệu xác nhận

Thiết lập giao dịch (trading setup) là một bộ tiêu chí phù hợp với phương pháp phân tích mà khi tất cả các tiêu chí được thỏa mãn thì chúng hình thành một tín hiệu xác nhận để ra quyết định mua hay bán. Chẳng hạn như xu hướng tăng, mẫu hình nến tăng giá xuất hiện ở hỗ trợ quan trọng với khối lượng lớn được coi là một thiết lập giao dịch cho tín hiệu mua.

Kiên nhẫn và kỷ luật

Cũng như các phương pháp giao dịch khác, phương pháp Price action yêu cầu sự kiên nhẫn và kỷ luật. Nhà giao dịch cần chờ đợi các tín hiệu có tỷ lệ thành công cao, tránh giao dịch bốc đồng và giữ kỷ luật trong việc chốt lời/cắt lỗ.

Phân tích ưu và nhược điểm của phương pháp Price Action

Điểm mạnh của Price action

1. Không có độ trễ

Ưu điểm vượt trội của Price action là phương pháp này không có độ trễ. Giá luôn luôn phản ánh mọi thông tin cần biết và đi trước các chỉ báo kỹ thuật. Phương pháp Price action giúp chúng ta nắm bắt nhanh tâm lý thị trường và giao dịch theo từng chuyển động của giá. Trong khi đó, tất cả phương pháp sử dụng dữ liệu trong quá khứ đều có độ trễ nhất định.

2. Khả năng phân tích đa khung thời gian

Các mức kháng cự, hỗ trợ, xu hướng và mẫu hình giá hoạt động trên tất cả khung thời gian với cách vận dụng giống hệt nhau. Ngược lại, hầu hết các chỉ báo kỹ thuật chỉ hoạt động tốt trên một vài khung thời gian nhất định và có thể cần phải thay đổi tham số đầu vào khi chuyển đổi giữa các khung thời gian khác nhau.

3. Sự linh hoạt

Các chiến lược của phương pháp Price action rất đa dạng và dễ dàng chỉnh sửa. Điều này cho phép nhà giao dịch có không gian sáng tạo và thử nghiệm chiến lược mới. So với Price action, các chỉ báo kỹ thuật khá cứng nhắc, phải giao dịch theo một vài tín hiệu nhất định của từng chỉ báo.

4. Sự tối giản

Biểu đồ của Price action rất đơn giản. Không rối rắm với hàng loạt chỉ báo, màu sắc, đường kẻ và số liệu. Nhà giao dịch toàn toàn có thể giao dịch chỉ với một biểu đồ đen trắng. Lợi ích của biểu đồ tối giản là giúp chúng ta tập trung tốt hơn, tránh các tín hiệu nhiễu, quản trị cảm xúc dễ dàng hơn và ra quyết định nhanh hơn.

Sự tối giản cũng cho phép nhà giao dịch dễ dàng thiết lập biểu đồ trên bất kỳ phần mềm phân tích biểu đồ nào trong thời gian rất ngắn.

phương pháp price action là gì
Biểu đồ price action tối giản

Điểm yếu của Price action

1. Tính chủ quan

Chính sự linh hoạt của phương pháp Price action khiến cho phương pháp này có tính chủ quan rất cao. Rất dễ dàng bắt gặp 2 nhà giao dịch hành động giá đưa ra kết luận trái ngược nhau trên cùng 1 biểu đồ. Chúng ta cần phải tránh các lỗi thiên kiến trong quá trình sử dụng price action, nếu không, ta sẽ tìm đủ các lý do để biện luận cho ý tưởng có sẵn trong đầu ta, thay vì chấp nhận sự vận động khách quan của giá.

2. Cần nhiều thời gian hơn để luyện tập

Biểu đồ tối giản sẽ không cung cấp nhiều thông tin cho người mới bắt đầu. Rất khó để đọc được diễn biến thị trường chỉ bằng việc nhìn vào giá. Để thành thạo kỹ năng phân tích phương pháp Price action, bạn cần nhiều thời gian luyện tập các kỹ thuật để xác định bối cảnh thị trường, xu hướng, kháng cự, hỗ trợ, hiểu ý nghĩa của các mô hình biểu đồ.

Nếu như một biểu đồ có các chỉ báo kỹ thuật là một chiếc ô tô có camera 360 độ thì biểu đồ price action sẽ giống như chiếc ô tô chỉ có gương chiếu hậu vậy. Một tài xế giàu kinh nghiệm hoàn toàn có thể lái xe an toàn mà không cần camera 360. Camera 360 – tương tự chỉ báo kỹ thuật – không phải thứ sẽ giúp bạn lái xe giỏi hơn, nhưng nó giúp bạn lái xe dễ hơn, đặc biệt khi bạn mới học lái.

phương pháp giao dịch price action
Ví dụ về điểm yếu của Price action

Kết luận

Phương pháp Price action là một trong nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật. Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng mỗi nhà giao dịch phải hiểu rõ, nghiên cứu và lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân để đạt được lợi nhuận tốt nhất có thể.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu về Price Action. Nếu thấy hay, hãy chia sẻ. Chúc bạn giao dịch thành công!

Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Pancakeswap

Pancakeswap là gì? Các rủi ro trong việc sử dụng Pancakeswap

  Pancakeswap là gì? Pancakeswap là một giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) được xây dựng trên nền tảng Binance Smart Chain. Được phát triển bởi một nhóm...

Đầu tư cổ phiếu là gì? Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu an toàn cho người mới bắt đầu

Đầu tư cổ phiếu là gì? Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu an toàn cho người mới bắt đầu

Đầu tư được hiểu là việc sử dụng các nguồn lực hiện tại như tài chính, trí tuệ, thời gian,… nhằm mang về lợi nhuận và lợi ích kinh tế...

Nên tạo tài khoản chứng khoán phái sinh hay cơ sở?

Nên mở tài khoản chứng khoán phái sinh hay cơ sở?

Muốn thực hiện bất cứ giao dịch đầu tư cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần phải mở tài khoản chứng khoán. Tài khoản chứng khoán là nơi diễn ra...