Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Ngày đăng: 10/01/2025 lượt xem

Thị trường chứng khoán ngoài chức năng giao dịch cổ phiếu còn có chức năng sàng lọc những doanh nghiệp chất lượng ở lại với thị trường. Do đó, sẽ có những quy định mà doanh nghiệp phải đáp ứng mới có thể ở lại trên sàn giao dịch, doanh nghiệp nào không đáp ứng được quy định của sàn sẽ dẫn đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là gì?

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là cổ phiếu đã được giao dịch trên các sàn giao dịch chính thức như sàn HSX và sàn HNX nhưng do công ty làm ăn thua lỗ liên tiếp, không đáp ứng được các tiêu chí niêm yết nên bị buộc hủy niêm yết.

Thông thường khi cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng được các quy định giao dịch sẽ được chuyển xuống hệ thống giao dịch tập trung hay còn gọi là sàn UPCOM.

Ngoài ra còn có một trường hợp hủy niêm yết tự nguyện khác, khi đại hội cổ đông thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện. Nhưng trường hợp này sẽ hiếm khi xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến việc hủy niêm yết

Cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

Doanh nghiệp bị huỷ tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước; Doanh nghiệp ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên; Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.

Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng; Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản; Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp; Doanh nghiệp vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.

Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán phát hiện Doanh nghiệp giả mạo hồ sơ niêm yết; Doanh nghiệp bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm của Luật chứng khoán; Doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;

Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định.

Doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải huỷ niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà đầu tư.

Trong thực tiễn, nguyên nhân phổ biến gây ra việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bao gồm: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất. Doanh nghiệp vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.

Ảnh hưởng của việc hủy niêm yết đến nhà đầu tư

Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro, đặc biệt là với những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu đó, chẳng hạn như:

Thông tin cổ phiếu bị hủy niêm yết là một thông tin xấu cho cổ phiếu. Khi thông tin này được công bố có thể giá cổ phiếu sẽ bị giảm mạnh và kèm theo bị bán tháo mạnh.

Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết, thì doanh nghiệp sẽ không phải chịu những quy định khắt khe về việc công bố thông tin. Do đó tính minh bạch của doanh nghiệp sẽ giảm đi, không đảm bảo sự lành mạnh trong hoạt động tài chính và đầu tư. Nhà đầu tư cũng khó tiếp cận thông tin về doanh nghiệp hơn.

Khi bị hủy niêm yết cổ phiếu có thể mất một số thời gian không được giao dịch để làm thủ tục chuyển qua hệ thống giao dịch tập trung UPCOM. Trong một số trường hợp không đáp ứng được yêu cầu giao dịch có thể không biết khi nào mới được giao dịch trở lại.

Đối với doanh nghiệp, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể đánh mất uy tín, hình ảnh, thương hiệu mà doanh nghiệp phải mất nhiều năm mới gây dựng được.

Doanh nghiệp khó huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh khi có cơ hội.

Dưới đây là ví dụ về cổ phiếu FLC, sau khi bị hủy niêm yết thì giá cổ phiếu đã bị giảm mạnh. Và trải qua hơn 2 năm cổ phiếu vẫn chưa được giao dịch trở lại.

cổ phiếu bị hủy niêm yết
Biểu đồ giá cổ phiếu FLC

Nhà đầu tư nên làm khi cổ phiếu bị hủy niêm yết

Nhà đầu tư cá nhân thông thường là những người có khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp khó khăn hơn các đối tượng khác. Do đó, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể làm tăng rủi ro nhà đầu tư phải chịu lên rất nhiều. Nhà đầu tư nên xem xét việc bán khoản đầu tư và thu hồi vốn rồi tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác mà nhà đầu tư có thể kiểm soát được rủi ro của nó.

Cách phòng ngừa rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết

Để giảm thiểu rủi ro đầu tư phải những cổ phiếu bị hủy niêm yết nhà đầu tư nên thường xuyên cập nhật thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp mình nắm giữ. Thông thường trước khi bị hủy niêm yết cổ phiếu đó đã được sở giao dịch chứng khoán cảnh cáo, hoặc cấm cung cấp margin. Nếu nhận thấy cổ phiếu có những dấu hiệu đó nhà đầu tư nên thận trọng.

Nhà đầu tư cũng không nên tập trung dồn toàn bộ vốn vào một, hai cổ phiếu duy nhất đặc biệt là những cổ phiếu có mức độ rủi ro cao. Để nếu có nhỡ gặp phải cổ phiếu bị hủy niêm yết cũng không gây ra thiệt hại nhiều.

Nhà đầu tư nên thận trọng với những dấu hiệu có rủi ro cao chẳng hạn như doanh nghiệp báo cáo lỗ nhiều quý liên tiếp, hay doanh nghiệp chậm nộp báo cáo kiểm toán.

Kết luận

Trong quá trình hoạt động của thị trường chứng khoán, có thể thấy rằng việc một số cổ phiếu bị hủy niêm yết không phải là trường hợp hiếm. Tuy nhiên, mỗi lần cổ phiếu bị hủy niêm yết thì thường đều gây thiệt hại lớn cho những nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu đó. Nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ cổ phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư của mình và thận trọng với những hiện tượng rủi ro của cổ phiếu. 

Nếu bạn là nhà đầu tư mới đang tìm kiếm một công cụ hỗ trợ hiệu quả, ứng dụng HSC ONE chính là lựa chọn lý tưởng để bắt đầu hành trình đầu tư. Kết hợp với nền tảng HscEdu được thiết kế sinh động và tích hợp tính năng lưu trữ lộ trình học tập, dễ dàng nắm bắt kiến thức, nâng cao kỹ năng và tự tin chinh phục những danh mục đầu tư sinh lời.

Lâm Quách
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Cách đánh giá và điều chỉnh Danh mục đầu tư

Cách đánh giá và điều chỉnh Danh mục đầu tư (Phần 4)

Xây dựng và quản lý danh mục đầu tư là việc làm quan trọng và cần thiết đối với nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chứng khoán...

cổ phiếu vật liệu xây dựng

Tiềm năng cổ phiếu vật liệu xây dựng năm 2023

Khi đầu tư công đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì ngành vật liệu xây dựng được hi vọng có tiềm năng bứt phá trong năm...

margin call

Làm sao để tránh Call Margin? Cách tính Call Margin mới nhất

Call margin chắc hẳn là cụm từ mà phần lớn nhà đầu tư đều lướt hoặc nghe thấy trên hầu hết các cộng đồng tài chính khi thị trường giảm...