Lãi suất liên ngân hàng tăng và ảnh hưởng của nó đến nhà đầu tư chứng khoán

Ngày đăng: 09/07/2025 lượt xem

Thị trường liên ngân hàng tồn tại với mục đích hỗ trợ các ngân hàng giải quyết những vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu hụt thanh khoản, giảm thiểu rủi ro trong quá trình quản trị hệ thống ngân hàng. Tuy mức lãi suất này chỉ được áp dụng giữa các định chế tài chính lớn với độ tin cậy cao, nó là cơ sở để ấn định cấu trúc kỳ hạn của các lãi suất khác trong nền kinh tế như lãi suất tiền gửi, cho vay hay các khoản lãi thế chấp hoặc thẻ tín dụng khác.

Trong bài viết này, Stock Insight sẽ phân tích tác động của việc tăng lãi suất liên ngân hàng đến các nhà đầu tư chứng khoán. Từ đó, nhà đầu tư hiểu và điều chỉnh chiến lược đầu tư hợp lý.

Lãi suất liên ngân hàng là gì?

Lãi suất liên ngân hàng (Interbank Offered Rate) là lãi suất được tính cho các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng. Lãi suất này rất quan trọng, dùng để duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và đảm bảo các ngân hàng có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hoạt động hàng ngày của mình. Mức lãi suất này được dùng làm lãi suất tham chiếu cho các ngân hàng, có thể dao động qua đêm đến 12 tháng khi đáo hạn.

Cần lưu ý rằng các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng phần lớn không có tài sản thế chấp.

Lãi suất liên ngân hàng tác động đến chi phí vay và cho vay giữa các ngân hàng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là chuẩn mực để định giá các công cụ tài chính, thông qua:

  • Quản lý thanh khoản: Các ngân hàng sử dụng thị trường liên ngân hàng để vay và cho vay tiền, nhằm quản lý thanh khoản và đáp ứng nhu cầu ngắn hạn.
  • Quản lý rủi ro: Các ngân hàng có thể sử dụng thị trường liên ngân hàng để đầu tư vào các tài sản không thanh khoản với khả năng sinh lời cao hơn.
  • Chính sách tiền tệ: Các ngân hàng trung ương (NHTW) sử dụng thị trường liên ngân hàng để quản lý thanh khoản tổng hợp và điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng để tránh rủi ro ngắn hạn theo lãi suất chính sách của họ.
  • Phong vũ biểu hệ thống tài chính: Lãi suất liên ngân hàng đóng vai trò là thước đo sức khỏe của hệ thống tài chính.
  • Cơ sở cho các sản phẩm phái sinh lãi suất: Lãi suất liên ngân hàng là cơ sở để thanh toán các hợp đồng phái sinh lãi suất trị giá hàng trăm nghìn tỷ đô.

Do đó, những thay đổi trong lãi suất này có thể có tác động rộng hơn đến lãi suất toàn bộ nền kinh tế như lãi suất cho vay tiêu dùng, chi phí vay của doanh nghiệp và hiệu quả chung của chính sách tiền tệ.

>> Xem thêm: Cơ cấu và yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất liên ngân hàng

Tại sao lãi suất liên ngân hàng tăng?

Tổng quan, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất liên ngân hàng, thường có tương quan phức tạp, mức độ ảnh hưởng khác nhau tại các thời điểm và bối cảnh khác nhau. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Chính sách tiền tệ thắt chặt: Ở góc độ vĩ mô, thị trường liên ngân hàng được xem là kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ, công cụ để Ngân hàng trung ương (NHTW) thực hiện mục tiêu lạm phát. Việc tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát hoặc ổn định nền kinh tế tất yếu dẫn đến việc tăng lãi suất liên ngân hàng qua đêm.  
  • Căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng: Khi có sự bất ổn về thanh khoản, các ngân hàng có thể nâng lãi suất để giảm thiểu rủi ro. Để dễ hình dung, tương quan giữa thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng là tương quan nghịch. Khi thanh khoản hạn hẹp, lãi suất tăng vì các khoản vay khó tiếp cận hơn và ngược lại. Ngoài ra, chi phí vay liên ngân hàng sẽ cao hơn đối với các ngân hàng có rủi ro vỡ nợ lớn hơn.
  • Tăng trưởng kinh tế: Khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu vay mượn của các ngân hàng tăng lên, làm tăng lãi suất liên ngân hàng.

Tác động của lãi suất liên ngân hàng tăng đến thị trường chứng khoán

Tăng lãi suất liên ngân hàng dẫn đến tăng lãi suất huy động và cho vay, làm giảm hấp dẫn của cổ phiếu

Những thay đổi của lãi suất luôn có ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường chứng khoán. Đơn cử như khi mặt bằng lãi suất cao, chứng khoán trở nên kém hấp dẫn. Dòng tiền đầu tư sẽ luân chuyển sang các sản phẩm tài chính khác như: trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm,… mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp.

Khi lãi suất tăng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bị ảnh hướng, làm họ hạn chế “mạnh tay” trong việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trạng thái “thắt lưng buộc bụng” của doanh nghiệp được phản ánh qua giá cổ phiếu vì kỳ vọng của nhà đầu tư suy giảm. Cổ phiếu của các công ty có nợ vay cao càng bị ảnh hưởng tiêu cực hơn vì sự gia tăng của chi phí tài chính.

Áp lực lên cổ phiếu ngành ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng tăng có thể làm ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng ở nhiều khía cạnh khác nhau như: lợi nhuận từ hoạt động cho vay, chi phí huy động vốn, chất lượng tài sản,…

Ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ việc tăng lãi suất liên ngân hàng vì tác động trực tiếp đến lãi suất cho vay, làm tăng thu nhập từ hoạt động cho vay. Tuy nhiên, mức tăng quá nhanh có thể dẫn đến nhu cầu vay giảm. Từ đó giảm tăng trưởng tín dụng.

Việc lãi suất liên ngân hàng tăng đồng nghĩa với việc tăng chi phí huy động vốn. Các ngân hàng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) bị thu hẹp và nguy cơ nợ xấu gia tăng do khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Ví dụ thực tế về tác động của lãi suất liên ngân hàng tăng đến thị trường chứng khoán

Lãi suất liên ngân hàng tăng, kéo theo sự gia tăng của lãi suất huy động và cho vay. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab (Hong Kong), vào tháng 03 năm 2022, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã khởi động chu kỳ tăng lãi suất, kéo dài đến tận năm 2023. Kết quả thống kê chỉ ra tồn tại 6/11 lĩnh vực, tuy không hoàn toàn, nhưng có phản ứng tích cực với việc tăng lãi suất, hiệu suất cổ phiếu vượt thị trường chung như:

  • Ngành Năng lượng: Khi lãi suất tăng cao, đồng nghĩa với việc đồng tiền mạnh hơn và giá nhiên liệu theo đó cũng tăng. Hưởng ứng đà giá tăng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể tăng doanh thu và lợi nhuận dẫn đến triển vọng tích cực, phản ảnh qua giá cổ phiếu.
  • Ngành Công nghệ thông tin: Trong thời đại số, chi phí liên quan đến vận hành công nghệ có thể xem là cố định và khó cắt giảm. Chính vì thế, doanh thu của các công ty công nghệ dường như tăng trưởng ổn định cả trong bối cảnh lãi suất tăng.
  • Ngành Chăm sóc sức khỏe:tính chất thiết yếu và phòng thủ, cổ phiếu của các nhóm ngành này trở thành điểm đến được dòng tiền ưu tiên trong giai đoạn mặt bằng lãi suất cao.

Ngoài ra, các nhóm ngành Tài chính, Dịch vụ truyền thông và Tiện ích cũng mang thành tích tương đối tốt.

Ở chiều ngược lại, theo kết quả đo lường, nhóm ngành Bất động sản có hiệu suất kém nhất vì đây là ngành sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, nợ vay lớn. Điều này làm biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể khi lãi suất tăng.

Lãi suất liên ngân hàng - Charles Schwab, Ned Davis Research
Nguồn: Charles Schwab, Ned Davis Research

Các chiến lược đầu tư khi lãi suất liên ngân hàng tăng

  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Để bảo vệ tài sản, nhà đầu tư nên cân nhắc việc phân bổ danh mục đầu tư vào các cổ phiếu có khả năng chống chọi với lãi suất cao như các cổ phiếu ngành ngân hàng có chất lượng tài sản đảm bảo tốt, nợ xấu thấp hoặc những doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nợ vay,.. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm các nhóm ngành đạt hiệu suất cao trong chu kỳ trước như: Năng lượng, Công nghệ thông tin, Chăm sóc sức khỏe,…

>> Xem thêm: Chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư

  • Tăng cường đầu tư vào trái phiếu và tiền gửi: Khi lãi suất liên ngân hàng tăng, trái phiếu hoặc tiền gửi có thể trở nên hấp dẫn hơn so với cổ phiếu vì lợi suất tăng. Điều này tạo ra một lựa chọn an toàn và ổn định hơn.
  • Quan sát chỉ số lãi suất và động thái của ngân hàng trung ương: Theo dõi các quyết định của NHTW và các chỉ số kinh tế liên quan giúp hiểu rõ về xu hướng lãi suất và các tác động của chúng đối với thị trường chứng khoán.

Cập nhật lãi suất liên ngân hàng hiện nay (2025)

Lãi suất liên ngân hàng tạo đỉnh trong tháng 11. Sau đó có xu hướng giảm dần do Ngân hàng Nhà nước tiến hành bơm hơn 87 nghìn tỷ trong tháng 11 để hỗ trợ thanh khoản.

Nhu cầu về nguồn vốn thường tăng mạnh vào các dịp cuối năm, dẫn đến việc lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trở lại. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm rơi vào khoảng 4.04% (tăng 0.9 điểm phần trăm so với tháng trước).

Lãi suất liên ngân hàng hôm nay
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kết luận

Nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng là một công cụ hữu hiệu để các ngân hàng cân đối thanh khoản và tối ưu nguồn tiền của mình. Việc tăng lãi suất liên ngân hàng sẽ tác động đến thị trường chứng khoán và các nhóm ngành khác nhau.

Do đó, Stock Insight khuyến nghị nhà đầu tư luôn phải theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lãi suất, để điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp. Các nhóm ngành hưởng lợi từ việc lãi suất tăng đã được đề cập trong bài, quý nhà đầu tư có thể tham khảo để chuẩn bị sớm cho một chu kỳ mới.

Lời khuyên cuối cùng: Đừng chỉ tập trung vào ngắn hạn. Hãy xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn, vững vàng để vượt qua những biến động của thị trường.

Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Cách đọc bảng điện tử chứng khoán, các thuật ngữ và chỉ số NĐT mới cần quan tâm

Cách đọc bảng điện tử chứng khoán, các thuật ngữ và chỉ số NĐT mới cần quan tâm

Một trong những bài học vỡ lòng và đầu đời trong đầu tư chứng khoán là đọc – hiểu bảng điện tử chứng khoán. Bảng giá cổ phiếu là nơi...

giao dịch với chỉ báo CCI

Hướng dẫn giao dịch với chỉ báo CCI

Giới thiệu chỉ báo CCI Chỉ số kênh hàng hóa (CCI) là một chỉ số được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật. Chỉ báo này thuộc nhóm...

Ứng dụng chiến lược giao dịch theo xu hướng (Trend Following)

Ứng dụng chiến lược giao dịch theo xu hướng (Trend Following)

Lý thuyết về giao dịch theo xu hướng Tất cả tài sản tài chính được giao dịch đều có một yếu tố đi kèm: Giá. Mức giá được xác định...