Các nhân tố cơ bản của thị trường: Hiểu về cung, cầu và giá cả
Thị trường là nơi người mua và bán gặp nhau, và hoạt động mua bán hàng hóa/dịch vụ xảy ra. Thị trường tài chính là một dạng thị trường đặc biệt khi hàng hóa được giao dịch ở đây cũng chính là tiền tệ.
Việc hiểu rõ các nhân tố cơ bản của thị trường sẽ giúp nhà đầu tư tìm ra chìa khóa chiến thắng thị trường. Khám phá cách cung và cầu định hình giá cả, làm sáng tỏ cơ chế vận hành của thị trường sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư những góc nhìn thực tế giúp dự đoán xu hướng và tối ưu hóa lợi nhuận khi tham gia vào thị trường.
Mục Lục
Các nhân tố cơ bản của thị trường là gì?
Tổng quan về thị trường
Thị trường là nơi mà người tiêu dùng và người sản xuất có thể gặp nhau để thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi các hàng hóa/dịch vụ họ có. Thị trường không chỉ đề cập các địa điểm vật lý, nơi các bên có thể gặp nhau trực tiếp mà còn là các địa điểm ảo, nền tảng kỹ thuật số. Chỉ cần nơi đó các bên người tiêu dùng, người sản xuất, bên trung gian có thể tương tác với nhau và có hoạt động trao đổi hàng hóa/dịch vụ xảy ra.
Ví dụ:
Địa điểm vật lý: chợ truyền thống.
Địa điểm ảo: Sàn thương mại điện tử Shopee.
Các nhân tố cơ bản của thị trường
Các thị trường vận hành là dựa trên nguyên tắc cung – cầu gặp nhau để tìm ra điểm cân bằng, ở điểm cân bằng có thể xác định giá cả của hàng hóa/ dịch vụ đó. Nên một cách dễ hiểu thì thị trường được tạo nên và vận hành xoay quanh 3 yếu tố cơ bản: cung, cầu và giá cả.
Hiểu về Cung, Cầu và Giá cả trong các nhân tố cơ bản của thị trường
Khái niệm Cung trong các nhân tố cơ bản của thị trường
Cung là lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người bán sẵn sàng cung cấp ra thị trường ở các mức giá khác nhau tùy vào năng lực sản xuất (nguyên liệu, chi phí, nhân công, công nghệ). Cung không chỉ thể hiện số lượng mà còn thể hiện sự linh hoạt của nhà sản xuất trong việc điều chỉnh lượng hàng hóa dựa trên sự thay đổi của giá cả.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cung:
- Giá cả sản phẩm: Khi giá sản phẩm tăng, người bán có động lực cung cấp nhiều hơn để thu lợi nhuận cao hơn. Khi giá sản phẩm/dịch vụ giảm quá thấp, doanh nghiệp thu được lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận thì sẽ giảm cung để đẩy giá lên lại hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
- Chi phí sản xuất và nguồn lực: Khi chi phí nguyên liệu hoặc nhân công giảm, nhà sản xuất có thể cung cấp hàng hóa với chi phí thấp hơn, làm tăng lượng cung. Trong trường hợp giá chi phí tăng quá cao, nhưng giá của sản phẩm/dịch vụ không tăng thì doanh nghiệp sẽ giảm cung.
- Chính sách của chính phủ (thuế, trợ cấp): Các chính sách thuế có thể làm tăng chi phí sản xuất, khiến cung giảm. Ngược lại, trợ cấp giúp giảm chi phí, thúc đẩy nhà sản xuất tăng lượng cung.
- Công nghệ và hiệu quả sản xuất: Sự tiến bộ về công nghệ giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm thời gian và chi phí sản xuất, từ đó làm tăng lượng cung.
Ví dụ minh họa: Khi chi phí sản xuất giảm, chẳng hạn do áp dụng công nghệ mới giúp tiết kiệm nguyên liệu, nhà sản xuất có thể cung cấp lượng sản phẩm nhiều hơn với mức giá tương đương, giúp tăng cung trên thị trường.
Khái niệm Cầu trong các nhân tố cơ bản của thị trường
Cầu là lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng sẵn lòng mua ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Cầu phản ánh sự mong muốn và khả năng thanh toán của người tiêu dùng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu:
- Giá cả của sản phẩm: Khi giá của sản phẩm/dịch vụ giảm, người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hơn, làm tăng lượng cầu. Khi giá sản phẩm/dịch vụ tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế có giá thấp hơn hoặc giảm dùng sản phẩm/dịch vụ đó lại.
- Thu nhập của người tiêu dùng: Thu nhập tăng thường làm tăng khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó làm tăng lượng cầu cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.
- Sở thích và xu hướng tiêu dùng: Sự thay đổi về xu hướng hoặc sở thích có thể tăng hoặc giảm lượng cầu. Ví dụ, sản phẩm thân thiện với môi trường đang ngày càng được ưa chuộng.
- Giá của các sản phẩm thay thế và bổ sung: Nếu giá của một sản phẩm thay thế giảm, người tiêu dùng có thể chuyển sang sản phẩm này, làm tăng cầu cho sản phẩm thay thế. Tương tự, sản phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến nhau.
Ví dụ minh họa: Sản phẩm bổ sung của cà phê là sữa (dùng để pha cà phê), nên khi nhu cầu về cà phê tăng lên, dẫn tới nhu cầu về sữa cũng tăng lên.
Khái niệm Giá cả và vai trò của nó trong các nhân tố cơ bản của thị trường
Giá cả là mức giá giao dịch được hình thành khi cung và cầu gặp nhau, tạo ra một mức giá cân bằng giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Đây là tín hiệu quan trọng giúp cả hai bên đưa ra quyết định về việc mua và sản xuất.
Giá thị trường hình thành ở điểm cân bằng khi lượng cung bằng lượng cầu. Nếu cung vượt quá cầu, giá sẽ có xu hướng giảm để kích thích nhu cầu và giảm lượng cung dư thừa. Ngược lại, khi cầu vượt quá cung, giá sẽ có xu hướng tăng, tạo động lực cho nhà sản xuất cung cấp thêm sản phẩm.

Tầm quan trọng của giá cả:
Cân bằng thị trường: Giá cả sẽ giúp điều tiết thị trường, về cơ bản khi cầu vượt cung, giá sẽ tăng, khuyến khích sản xuất nhiều hơn. Nếu cung vượt cầu, giá sẽ giảm, khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn. Điều này giúp thị trường tự điều chỉnh và tránh tình trạng khan hiếm hoặc dư thừa hàng hóa.
Tuy nhiên, trong trường hợp giá cả giảm xuống quá thấp dẫn tới các doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận thì các doanh nghiệp sẽ giảm sản xuất để giảm cung nhằm kéo giá sản phẩm lên lại, hoặc chuyển sang nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, ngưng sản xuất mặt hàng không có lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, khi giá cả tăng quá mức, người tiêu dùng không chấp nhận trả cao hơn nữa, thì sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế hoặc giảm tiêu dùng sản phẩm này.
Khuyến khích cạnh tranh và đổi mới: Khi giá cả tăng, các doanh nghiệp có thể có động lực để cạnh tranh hơn, từ đó thúc đẩy sáng tạo và đổi mới sản phẩm. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo ra giá trị cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận trên mỗi sản phẩm thì các doanh nghiệp luôn cố tăng năng suất lên, để tăng lượng cung với chi phí thấp hơn.
Tác động của cung, cầu và giá cả đến thị trường
Cung, cầu và giá cả đều là các nhân tố cơ bản của thị trường.
Khi cung và cầu thay đổi:
- Khi nhu cầu tăng đột biến: Trong trường hợp nhu cầu tăng mạnh nhưng lượng cung không kịp đáp ứng, giá cả sẽ có xu hướng tăng do sản phẩm trở nên khan hiếm. Ví dụ, vào mùa cao điểm hoặc khi một sản phẩm trở nên “hot,” giá sản phẩm thường tăng cao nếu cung không được tăng theo.
- Khi cung tăng mạnh: Khi lượng cung vượt quá cầu (do dư thừa sản phẩm hoặc sản xuất vượt mức), giá sản phẩm sẽ có xu hướng giảm để kích thích nhu cầu tiêu dùng và giảm lượng hàng tồn kho.
Ví dụ: Tình hình mua iPhone tại Việt Nam mỗi khi Apple ra mắt dòng iPhone mới. Người tiêu dùng thường chờ đợi dòng mới, dẫn đến nhu cầu bùng nổ ngay khi sản phẩm có mặt. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những thị trường mở bán trễ.
Người tiêu dùng không muốn chờ đợi thường mua hàng xách tay từ các thị trường như Singapore, Hong Kong, Mỹ, dẫn đến giá cao hơn từ 20-50% so với giá niêm yết chính hãng. Như sau khi ra mắt, giá iPhone 15 Pro Max xách tay tại Việt Nam dao động từ 40-60 triệu đồng, cao hơn giá chính hãng từ 10-20 triệu đồng.
Vai trò của cung, cầu, và giá cả trong chu kỳ kinh tế:
Trong chu kỳ kinh tế: cung, cầu và giá cả đều có những ảnh hưởng đáng kể đến thị trường ở các giai đoạn:
- Lúc thị trường tăng trưởng: Nhu cầu thường tăng cao khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng và niềm tin của người tiêu dùng cao. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng giá cả, đặc biệt khi cung không kịp đáp ứng, và khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất.
- Lúc suy thoái: Khi nền kinh tế chậm lại, cầu thường giảm do thu nhập giảm và người tiêu dùng tiết kiệm hơn. Điều này có thể khiến giá giảm để kích cầu, đồng thời buộc nhà sản xuất cắt giảm chi phí hoặc giảm sản lượng để tránh hàng tồn kho.
Ví dụ: GM, Ford, và Chrysler, ba công ty ô tô lớn nhất Mỹ, đã giảm sản xuất lên đến 50% trong năm 2008. Chỉ riêng GM đã phải cắt giảm sản lượng lên đến hơn 1 triệu chiếc trong năm 2008 do nhu cầu sụt giảm.
>> Xem thêm: Cách đầu tư chứng khoán theo chu kỳ kinh tế
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp dựa vào các biến động của cung, cầu và giá cả để dự đoán xu hướng thị trường nhằm đưa ra chiến lược phù hợp:
- Khi giá tăng do cầu mạnh, các nhà sản xuất có xu hướng đầu tư mở rộng để gia tăng sản lượng, nắm bắt cơ hội lợi nhuận.
- Khi nền kinh tế suy thoái và giá cả giảm, doanh nghiệp có thể tạm dừng đầu tư lớn và tập trung vào tiết kiệm chi phí, cải tiến hiệu quả sản xuất.
Ví dụ: Vào đầu năm 2022, giá phân bón tăng mạnh do sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu chính, đặc biệt là phosphat, kali và nitrat, do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nga là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về phân bón, và việc xung đột này dẫn đến các lệnh cấm xuất khẩu và các hạn chế về cung ứng, làm tăng giá phân bón toàn cầu.
- Yara đã phải cắt giảm sản xuất phân đạm tại các nhà máy ở châu Âu vào mùa hè năm 2022. Cụ thể, họ đã giảm sản lượng phân đạm tại một số nhà máy lớn ở châu Âu do chi phí năng lượng ở khu vực Châu Âu tăng cao. Mặc dù giảm sản lượng, Yara vẫn duy trì được lợi nhuận nhờ vào việc tăng giá phân bón.
- Nutrien đã tăng sản lượng phân bón trong năm 2022, với kế hoạch tăng công suất tại các nhà máy sản xuất phân bón tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Công ty báo cáo lợi nhuận cao hơn đáng kể trong năm 2022 nhờ vào việc tăng sản lượng và giá phân bón cao.
Kết luận
Hiểu rõ các yếu tố cung, cầu và giá cả trong các nhân tố cơ bản của thị trường là chìa khóa giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa ra quyết định kinh tế hợp lý, nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro trước các biến động của thị trường. Những yếu tố này không chỉ phản ánh trạng thái thị trường hiện tại mà còn là cơ sở để dự đoán xu hướng kinh tế trong tương lai.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu kiến thức đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Nguyễn Thị Vui
Account Manager