PIP là gì? Chi tiết về Percentage in Point (điểm phần trăm) trong thị trường đầu tư

Ngày đăng: 10/07/2025 lượt xem

PIP là khái niệm quan trọng trong giao dịch chứng khoán phái sinh, ngoại hối. Chỉ số này giúp nhà đầu tư đo lường biến động giá cũng như thị trường, tính toán lợi nhuận một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hãy cùng Stock Insight khám phá và áp dụng PIP để lên các chiến lược giao dịch nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.

PIP là gì?

Định nghĩa PIP

PIP (Percentage in Point hay Price Interest Point) là một khái niệm phổ biến trong giao dịch ngoại hối (Forex) và chứng khoán phái sinh. Đây là công cụ đo lường sự thay đổi nhỏ nhất trong giá của một công cụ tài chính, đặc biệt là trong giao dịch chứng khoán phái sinh.

Trong giao dịch ngoại hối (Forex), 1 PIP thường tương ứng với mức thay đổi 0.0001 (tức là 1 phần 10,000) của giá trị một cặp tiền tệ. Ngoại trừ các cặp có đồng Yên Nhật (JPY), một PIP thường là 0.01.

Ví dụ: Nếu tỷ giá CHF/USD tăng từ 1.1084 lên 1.1085 thì sự thay đổi này là 1 PIP

Trong chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai của một chỉ số (ví dụ: VN30 có hợp đồng tương lai có thời hạn 1 tháng là VN30F1M), 1 PIP tương ứng với mức thay đổi 0.1 hay 1 điểm thay đổi tương ứng với 10 PIP.

Ví dụ: HĐTL VN30F1M ngày 30/12/2024 giảm 3.3 điểm, tương ứng với mức giảm 30 PIP

Ý nghĩa của PIP

PIP giúp nhà đầu tư đo lường được những biến động nhỏ nhất trong giá của một tài sản tài chính. Từ đó:

  • Đánh giá biến động của thị trường: Dựa trên mức độ thay đổi của đơn vị nhỏ nhất là PIP, nhà đầu tư dễ dàng xác định được thị trường đang biến động mạnh hay yếu.
  • Quản lý rủi ro: Nhà đầu tư sử dụng PIP để đo lường mức độ rủi ro chấp nhận được để thiết lập mức cắt lỗ (stop loss) hay chốt lời (take profit).
  • Tính toán lợi nhuận/thua lỗ: Mỗi PIP đều được định lượng với 1 giá trị tương ứng. Do đó, sự thay đổi của PIP trong giá giúp nhà đầu tư nhanh chóng tính toán được mức lãi/ lỗ trong giao dịch.

PIP và Pipette – Sự khác biệt

Pipette là một đơn vị đo lường nhỏ hơn PIP, thông thường 1 Pipette = 1/10 PIP. Đơn vị này phổ biến trong giao dịch ngoại hối (Forex), nhằm đo lường biến động rất nhỏ của các tiền tệ và trong các thị trường cần tính chính xác cao.

Do đó, 1 PIP = 0.0001 thì 1 Pipette = 0.00001

Cặp tỷ Giá EUR/USD Và Thay Đổi Của 1 PIP và 1 Pipette
Hình 1: Cặp tỷ Giá EUR/USD Và Thay Đổi Của 1 PIP và 1 Pipette

Cách tính PIP trong chứng khoán phái sinh

Đến thời điểm hiện tại, Chứng khoán phái sinh ở thị trường chứng khoán Việt Nam gần như chỉ có 1 sản phẩm duy nhất là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30-Index. Ngoài ra, sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW) và những cách mua bán CW tương đối giống cổ phiếu hơn là chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index.

Khác với chỉ số VN30-Index có 2 chữ số sau dấu thập phân (dấu phẩy), HĐTL chỉ có 1 số sau dấu thập phân. Tương ứng với khái niệm “PIP là đơn vị đo lường sự thay đổi nhỏ nhất trong giá của một công cụ tài chính”, với HĐTL VN30-Index, 1 PIP ở đây có giá trị là 0.1 hay tương ứng 1 điểm = 10 PIP.

Ví dụ: Ngày 30/12/2024, HĐTL VN30F1M giảm 3.3 điểm, đóng cửa ở mức 1345.2 điểm. Như vậy, mức giảm 3.3 điểm tương ứng mức giảm 33 PIP.

Một số công cụ chứng khoán phái sinh có giá trị PIP khác nhau, tùy thuộc vào loại hợp đồng và công cụ tài chính:

pip là gì - Quy Ước PIP Của Một Số Sản Phẩm Tài Chính
Hình 2: Quy Ước PIP Của Một Số Sản Phẩm Tài Chính

Ứng dụng của PIP trong giao dịch chứng khoán phái sinh 

Đặc điểm của hợp đồng tương lai VN30F1M

Dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số VN30, HĐTL hiện có 4 kỳ hạn khác nhau, gồm có:

  • 1 tháng (VN30F1M).
  • 2 tháng (VN30F2M).
  • 3 tháng (VN30F3M).
  • 6 tháng (VN30F6M).

HĐTL hiện được thanh toán bằng tiền mặt, dựa trên giá trị chênh lệch của HĐTL và chỉ số VN30 vào ngày đáo hạn (thứ 5 trong tuần thứ 3 của tháng).

Mỗi một điểm số VN30 có giá trị là 100,000 đồng.

Ngày 30/12/2024, HĐTL VN30F1M đóng cửa mức 1345.2 điểm.

Vậy, quy mô HĐTL VN30F1M có giá trị = 1345.2 x 100,000 = 134,520,000 đồng.

Mức ký quỹ yêu cầu là 17%. Nhà đầu tư sẽ cần số tiền tối thiểu để mở 1 vị thế (chưa bao gồm phí giao dịch và các phí thuế khác) là: 134,520,000 x 17% = 22,868,400 đồng.

Tính toán lợi nhuận và thua lỗ bằng PIP

Theo quy định, 1 điểm số VN30 có giá trị là 100,000 đồng.

Theo mục “2. Cách Tính PIP Trong Chứng Khoán Phái Sinh”, 1 điểm HĐTL bằng 10 PIP. Như vậy, giá trị 1 PIP = 100,000/10 = 10,000 đồng.

Ví dụ: Ngày 30/12/2024, HĐTL VN30F1M giảm 3.3 điểm, đóng cửa mức 1345.2 điểm. Giả sử, nhà đầu tư đang mở 01 vị thế Long tại giá tham chiếu là 1348.5 điểm. Vậy mức lỗ của nhà đầu tư sẽ được tính như sau:

PIP tương ứng mức điểm giảm = 3.3 x 10  = 33 PIP

Giá trị 1 PIP = 10,000 đồng

Mức thua lỗ = 33 x 10,000 = 330,000 đồng

Ngược lại, nếu nhà đầu tư đang mở 01 vị thế Short tại giá tham chiếu là 1348.5 điểm. Vậy mức lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ được tính tương ứng là: 33 x 10,000 = 330,000 đồng.

Giá trị lời/lỗ này được tính cho 01 hợp đồng. Trong trường hợp nhà đầu tư mở vị thế nhiều hơn, mức lời/lỗ sẽ được tính tương ứng nhân với số lượng hợp đồng.

Ví dụ: Với các thông tin bên trên, nhà đầu tư mở 8 vị thế Long tại giá tham chiếu là 1348.5 điểm. Vậy mức lỗ của nhà đầu tư là: 8 x 330,000 = 2,640,000 đồng.

Như vậy, với cùng giá trị 1 PIP, mức độ lời/lỗ sẽ phụ thuộc vào tổng số vị thế mà nhà đầu tư mở.

Cách sử dụng PIP trong chiến lược giao dịch chứng khoán phái sinh

Trước khi đi vào cách sử dụng PIP để giao dịch, nhà đầu tư cần làm rõ một số thông tin về HĐTL VN30F1M. Các thông tin này được tính trên 01 vị thế Long/Short hợp đồng tương lai.

  • 1 điểm VN30 là 10 PIP
  • Giá trị 1 PIP = 10,000 đồng.
  • Tỷ lệ ký quỹ ban đầu (IM) với HĐTL VN30F1M là 17%.

Chiến lược: PIP để xác định điểm mở và đóng vị thế.

Đặt mục tiêu chốt lời hay cắt lỗ theo mức PIP, tùy vào mức độ biến động của thị trường.

Ví dụ: Mở vị thế Long VN30F1M tại 1345.2 điểm. Đặt mục tiêu chốt lời là 350 PIP và cắt lỗ là 150 PIP (Tỷ lệ R/R là 2.3 lần).

Vậy giá chốt lời tương đương VN30F1M ở 1380.2 điểm (tăng 35 điểm).

Giá cắt lỗ tương đương VN30F1M ở 1330 điểm (giảm 15 điểm).

Chiến lược: Quản trị rủi ro dựa trên PIP.

Dựa vào PIP, nhà đầu tư có thể tính toán được số lượng hợp đồng phù hợp với giá trị tài khoản và khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

Số lượng hợp đồng mở = Mức rủi ro tối đa / (Giá trị 1 PIP * Số PIP biến động)

Ví dụ: HĐTL VN30F1M đang 1345.2 điểm, tỷ lệ ký quý 17% tương ứng 1 HĐ trị giá 22,868,400 đồng. Một nhà đầu tư có thông tin tài khoản như sau:

Giá trị tài khoản: 500 triệu đồng.

Rủi ro tối đa: 2% tài khoản tương đương 10 triệu đồng.

Cắt lỗ: 150 PIP

Giá trị 1 PIP là 10,000 đồng.

Vậy, số lượng hợp đồng nhà đầu tư này có thể mở:

Số lượng hợp đồng mở = 10,000,000 đồng / (10,000 đồng * 150 PIP) = 6.67

Như vậy, số lượng hợp đồng nhà đầu tư có thể mở là 6 hoặc 7.

Với một HĐ trị giá 22,868,400 đồng, mở 6 hợp đồng cần 137.21 triệu, 7 hợp đồng là 160.1 triệu đều thỏa mãn giá trị tài khoản 500 triệu. Do đó, lựa chọn mở 6 hay 7 hợp đồng tùy thuộc vào mức chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.

Chiến lược: sử dụng PIP phân tích biến động thị trường.

Từ mức giá hiện tại, nhà đầu tư có thể đo mức kháng cự hoặc hỗ trợ bằng PIP. Từ đó lên chiến lược giao dịch.

Long tại hỗ trợ, Short tại kháng cự.

Tính toán tỷ lệ Risk:Reward (R:R).

Ví dụ: HĐTL VN30F1M đang 1345 điểm,

Mức kháng cự là 1380 điểm, tương ứng khoảng cách 350 PIP.

Mức hỗ trợ là 1330 điểm, tương ứng khoảng cách 150 PIP.

Tỷ lệ Risk:Reward = 150:350 = 1:2,3 (cao hơn mức tiêu chuẩn 1:2 để tối ưu lợi nhuận).

Kết luận

Thông qua PIP, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng đánh giá biến động thị trường, tính toán lợi nhuận và thua lỗ cũng như xây dựng các chiến lược giao dịch hiệu quả. Stock Insight hy vọng nhà đầu tư đã nắm vững và áp dụng PIP vào trong quá trình giao dịch, đặc biệt là thị trường chứng khoán phái sinh để tối ưu lợi nhuận.

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

đầu tư trung hạn

Có nên đầu tư cổ phiếu trung hạn? Chiến lược đầu tư và lưu ý cần biết để đạt hiệu quả cao

Bạn đã bao giờ mơ ước về một tương lai tài chính ổn định? Đầu tư trung hạn có thể là cánh cửa giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ...

Các web chứng khoán, tài chính uy tín dành cho nhà đầu tư

Các web chứng khoán, tài chính uy tín dành cho nhà đầu tư (Phần 3)

Thông tin, tin tức là một trong những yếu tố cực kì quan trọng giúp ích được rất nhiều cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên thị...

Lệnh MOK là gì? Ưu và nhược điểm của lệnh MOK trong giao dịch

Lệnh MOK là gì? Ưu và nhược điểm của lệnh MOK trong giao dịch

Trong một môi trường diễn biến nhanh như thị trường chứng khoán thì kỹ năng đi lệnh là một trong những yếu tố quan trọng. Việc tính toán sử dụng...