Ponzi là gì? Vụ vỡ nợ 3700 tỷ đồng của công ty GFDI và bài học rút ra

Ngày đăng: 24/07/2025 lượt xem

Mô hình Ponzi hiện đang là một hình thức lừa đảo tài chính khá phổ biến trên thế giới. Đây là một hình thức lừa đảo tinh vi, thu hút nạn nhân bằng những lời hứa, sự cam kết lợi nhuận khổng lồ. Mô hình này luôn có sức kêu gọi người tham gia một cách mạnh mẽ, vì thế con số nạn nhân ngày càng tăng mà không có dấu hiệu dừng lại. 

Trong bài viết này, Stock Insight sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mô hình Ponzi và giải thích tại sao dù được cảnh báo nhiều như vậy mà mọi người vẫn có thể bị lừa. Từ đó rút ra những bài học quan trọng để có kết quả đầu tư hiệu quả, bền vững và an toàn. 

Ponzi là gì?

Định nghĩa mô hình Ponzil

Lấy tên từ Charles Ponzi, người khởi xướng kiểu lừa đảo này vào đầu thế kỷ 20, Ponzi là một mô hình gian lận tài chính, trong đó người tổ chức trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư ban đầu bằng tiền của các nhà đầu tư mới, thay vì từ lợi nhuận thực tế của hoạt động kinh doanh. Điều này tạo ra một ảo ảnh về lợi nhuận cao và ổn định, thu hút thêm nhiều người tham gia, nhưng cuối cùng mô hình này luôn sụp đổ khi không còn đủ người mới để trả cho những người cũ. 

Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi

Mô hình lừa đảo Ponzi
Hình: Mô hình lừa đảo Ponzi

Hứa hẹn lợi nhuận cao: Người khởi xướng sẽ nằm ở đỉnh “kim tự tháp”. Họ đưa ra những hứa hẹn, cam kết về một dự án/sản phẩm/dịch vụ tiềm năng sẽ mang lại mức lợi nhuận khủng trong thời gian ngắn. Bằng cách này, họ tìm thấy những nhà đầu tư đầu tiên.

Huy động nguồn tiền bằng niềm tin của nhà đầu tư: Những nhà đầu tư hàng đầu sẽ tuyển thêm những nhà đầu tư mới, với cùng phương thức hứa hẹn về lợi nhuận và niềm tin với người quen. Khi có các nhà đầu tư mới được tuyển vào ở những bậc dưới, những bậc phía trên sẽ được chia hoa hồng. Trên thực tế, số tiền này là 1 phần tiền mà nhà đầu tư mới vừa đóng góp vào mô hình và được phân phối cho nhà đầu tư cũ dưới dạng “lợi nhuận” để tăng uy tín. 

Sụp đổ khi không còn tiền mới: Sau một thời gian, nhiều nhà đầu tư dần đánh hơi được sự đáng nghi của mô hình này và yêu cầu rút vốn. Cộng hưởng số lượng nhà đầu tư mới ngày càng giảm, hệ thống không thể duy trì và nhanh chóng sụp đổ.

Tại sao mô hình Ponzi lại thu hút nhà đầu tư?

Mô hình Ponzi tồn tại rất lâu, và đã bị bóc trần rất nhiều lần. Vậy tại sao số lượng nạn nhân bị lừa từ mô hình này vẫn tăng đều qua thời gian?

Lợi nhuận cao hấp dẫn: Viễn cảnh đạt được một mức lợi nhuận “khủng” trong thời gian đầu tư ngắn luôn có một sức hút cực kỳ khó cưỡng lại. Vẫn có những người nhận thấy có gì đó không ổn nhưng vì bị mức lợi nhuận che mắt, họ vẫn dấn sâu vào mô hình lừa đảo này.

Tính chất không rõ ràng của mô hình: Thông thường, mô hình này sẽ “vẽ” lên một dự án/sản phẩm/dịch vụ nào đó, nhằm che dấu hoạt động kinh doanh không có thật. Người khởi xướng luôn diễn giải nó bằng những thuật ngữ phức tạp hoặc những cam kết “độc quyền”, khiến các nhà đầu tư khó phân biệt được tính thật – giả. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũ còn được gửi đủ hoa hồng/ lợi nhuận, làm giảm sự nghi ngờ và cũng như khiến nhà đầu tư khó đánh giá được rủi ro.

Sự kỳ vọng về cơ hội “dễ dàng” làm giàu: Mô hình Ponzi khai thác tâm lý “muốn làm giàu nhanh mà không cần nỗ lực”. Để tạo niềm tin cho người mới tham gia, những câu chuyện thành công (thường được dàn dựng) là không thể thiếu. Nó khiến nhà đầu tư mới bị thuyết phục rằng việc kiếm tiền dễ dàng là khả thi.

Đánh vào sự tham lam và tự tin của bản thân: Nhiều người dù đã biết đây là mô hình lừa đảo nhưng vì “tham” mức lợi nhuận, họ tin rằng bản thân sẽ rút ra trước khi hệ thống đổ vỡ. Tuy nhiên mọi thứ không dễ như vậy, mô hình Ponzi có khá nhiều bẫy để giữ chân nhà đầu tư. Các khoản lợi nhuận trả đúng hạn, các khoản thưởng nóng và các hình ảnh đánh bóng trên mạng xã hội luôn tạo cảm giác hệ thống vẫn đang vận hành bình thường.

Niềm tin vào người giới thiệu: Mô hình Ponzi thường kết hợp yếu tố đa cấp, liên tục kêu gọi nhà đầu tư mời thêm người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Những người mới có thể gạt bỏ đi phần lớn sự nghi ngờ khi lời mời đó đến từ người quen biết. Tâm lý “nếu họ tham gia thì chắc là an toàn” khiến nhà đầu tư dễ dàng bỏ qua việc kiểm tra thông tin.

Ponzi và Câu chuyện công ty GFDI vỡ nợ 3700 tỷ đồng

Tổng quan về công ty GFDI: GFDI (Global Financial Development Investment) từng được biết đến là một công ty đầu tư tài chính nổi bật, hoạt động trong lĩnh vực huy động vốn và phân phối sản phẩm tài chính. Công ty tự định vị mình như một đơn vị tiên phong, với các dự án “lợi nhuận cao, rủi ro thấp”, thu hút hàng nghìn nhà đầu tư trên khắp cả nước.

Trước khi vỡ nợ, GFDI quảng bá hình ảnh một doanh nghiệp uy tín và thường tổ chức các sự kiện lớn nhằm tạo dựng niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư.

Các hoạt động và cam kết lợi nhuận: GFDI đưa ra những cam kết hấp dẫn, hứa hẹn mức sinh lời cao gấp nhiều lần so với các kênh đầu tư truyền thống. Đây được xem là một dấu hiệu đặc trưng của mô hình Ponzi. Các hoạt động chính bao gồm:

  • Huy động vốn từ cá nhân và tổ chức: Thông qua các sản phẩm đầu tư tài chính được giới thiệu là an toàn. 
  • Hứa hẹn lợi nhuận cao và ổn định: GFDI cam kết lợi nhuận cố định hàng tháng hoặc hàng năm, đôi khi lên đến 20-30%/năm.
  • Tổ chức hội thảo và chương trình khuyến khích giới thiệu nhà đầu tư mới: Điều này tạo ra mạng lưới người tham gia mở rộng, giúp duy trì dòng tiền liên tục.

Vì sao GFDI lại vỡ nợ?: Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc vỡ nợ của công ty GFDI, đặc biệt là các dấu hiệu của mô hình Ponzi trong hoạt động của công ty.

  • Thành lập vào năm 2018, chỉ trong 5 năm, công ty này đã mở rộng ngành nghề kinh doanh lên 60. Sự bành trướng nhanh này đã khiến việc rà soát, đánh giá tình hình hoạt động thực tế của công ty này trở nên khó khăn. 
  • Sau khi được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, công ty tiến hành huy động vốn qua kênh khách hàng với hình thức ký hợp đồng vay tiền. 
  • Chạy quảng cáo các gói lãi suất cao hơn ngân hàng: Huy động vốn từ người dân với lãi suất hấp dẫn từ 15-20-48%/năm.
  • Tiền huy động không dùng vào hoạt động kinh doanh: Tất cả tiền huy động được đều được công ty GFDI dùng vào hoạt động quảng cáo, mở rộng hoạt động huy động vốn và thanh toán các hợp đồng vay đến kỳ.
  • Quản lý tài chính kém minh bạch: Công ty không cung cấp thông tin chi tiết về các dự án đầu tư hay báo cáo tài chính, khiến các nhà đầu tư không thể kiểm chứng tính hợp pháp. Thêm vào đó, việc có tới 60 ngành nghề kinh doanh kiến nhà đầu tư khó đánh giá được tình hình kinh doanh thực tế của GFDI. 
  • Để không bị các cơ quan công an để mắt tới và tạo niềm tin cho khách hàng, công ty GFDI đã luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Trong suốt 5 năm hoạt động, công ty cũng chưa từng có tên trong các đợt kiểm tra, giám sát. Các cơ quan chức năng tỉnh Đà Nẵng cũng không nhận được bất cứ kiến nghị, tố giác của cá nhân nào về hình thức hoạt động của công ty GFDI trước khi vỡ nợ. 
  • Đến đầu tháng 11/2024, công ty GFDI mất khả năng thanh toán, không thể thanh toán hợp đồng vay đến hạn nào của 7.541 khách hàng.

Ảnh hưởng của vụ việc: Hệ lụy của vụ vỡ nợ từ mô hình Ponzi đối với nhà đầu tư, nền kinh tế, và sự mất niềm tin vào thị trường tài chính.

  • Đối với nhà đầu tư: Có khoảng 7.541 nạn nhân bị mất tiền khi công ty GFDI vỡ nợ, với tổng số lên đến 3.700 tỷ đồng. 
  • Đối với nền kinh tế: Vụ việc làm gia tăng lo ngại về tính minh bạch của thị trường tài chính, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào các doanh nghiệp đầu tư.
  • Đối với xã hội: Các vụ lừa đảo lớn dẫn đến những hệ lụy như phá sản cá nhân, tranh chấp pháp lý, gây hoang mang, mất niềm tin vào những kênh đầu tư hợp pháp.
ponzi là gì - Chia sẻ của một người ngoài cuộc khi nghe tin GFDI vỡ nợ
Hình: Chia sẻ của một người ngoài cuộc khi nghe tin GFDI vỡ nợ, nguồn: Facebook
mô hình ponzi là gì - Các hội nhóm được các nạn nhân thành lập nhằm kêu gọi thu thập chứng cứ
Hình: Các hội nhóm được các nạn nhân thành lập nhằm kêu gọi thu thập chứng cứ

Các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và thị trường tài chính tránh khỏi mô hình Ponzi

Để bảo vệ tài sản cá nhân, nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức tài chính và sự cảnh giác. Tuy nhiên, để có môi trường đầu tư lành mạnh không thể thiếu sự góp sức của cơ quan nhà nước, tập thể các doanh nghiệp trong ngành: 

Cải thiện quy định và kiểm soát thị trường tài chính: 

  • Tăng cường năng lực giám sát: Trang bị đầy đủ nguồn lực, công nghệ và thẩm quyền để theo dõi chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính.
  • Áp dụng chế tài mạnh cho các hành vi phạm tội: Việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các công ty vi phạm quy định như lừa đảo hoặc thao túng thị trường sẽ góp phần tạo ra sự răn đe đến các đơn vị có ý định vi phạm và góp phần tạo ra môi trường tài chính lành mạnh hơn. 
  • Cập nhật quy định pháp lý: Các quy định pháp lý cần cải thiện thường xuyên theo sự vận động của thị trường để phù hợp với thực tế, tránh lỗ hổng cho các công ty chui. Ví dụ: hình thức lừa đảo như mô hình Ponzi trên không gian mạng đang tăng cao, đặc biệt là tôi phạm sử dụng tiền điện tử.

Giáo dục và nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư: Sử dụng các nền tảng như báo chí, truyền hình, và mạng xã hội để truyền tải thông tin dễ hiểu và thiết thực về tài chính đến đông đảo người dân. Đặc biệt, nên hạ thấp độ tuổi cần giáo dục phòng tránh lừa đảo tài chính cho lứa tuổi từ học sinh, sinh viên.

Phát triển các công cụ tài chính minh bạch: Các công ty tài chính cần công khai các thông tin quan trọng như báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh, và các rủi ro liên quan đến sản phẩm tài chính. Các thông tin này cần được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, không sử dụng những thuật ngữ mà trong nghề mới hiểu và được kiểm chứng bởi cơ quan độc lập. 

Mô hình Ponzi và bài học rút ra từ vụ việc GFDI

Tầm quan trọng của việc nghiên cứu và hiểu biết về các sản phẩm tài chính

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào rủi ro là thiếu kiến thức và không nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm tài chính trước khi đầu tư.

  • Nắm rõ cách thức hoạt động: Trước khi tham gia bất cứ mô hình đầu tư nào, nhà đầu tư cần hiểu rõ sản phẩm tài chính hoạt động như thế nào, nguồn gốc lợi nhuận và rủi ro đi kèm. Để tránh va phải mô hình Ponzi bạn cần đặt ra những câu hỏi: “Lợi nhuận thật sự đến từ đâu?”, “Cần chịu những rủi ro gì để có mức lợi nhuận đó?”, “Sản phẩm/dịch vụ thật sự là gì?”.
  • Tìm hiểu về công ty: Xem xét lại quá trình hoạt động của công ty, tình hình kinh doanh của công ty các năm trước như thế nào, lý do gì công ty bắt đầu huy động vốn vào thời điểm này, nguồn vốn huy động sẽ được dùng trực tiếp vào dự án nào.
  • Đừng đặt lòng tin mù quáng: Không nên tin tưởng tuyệt đối vào các lời mời gọi hấp dẫn từ người quen hoặc quảng cáo. Việc tự đánh giá và xác minh thông tin là rất quan trọng.

Cảnh giác với các chương trình hứa hẹn lợi nhuận cao tiêu biểu như mô hình Ponzi

Nhà đầu tư phải biết rằng, để có mức lợi nhuận khủng, công ty phải có một sản phẩm/ dịch vụ thuộc dạng “độc quyền” và cung cấp được cho nhóm khách hàng lớn, ổn định. Với một ưu thế lớn như vậy, sao các công ty này không huy động vốn từ những nguồn vốn có chi phí thấp như: vay ngân hàng, bán vốn cổ phần, đầu tư của các quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần mà lại lựa chọn huy động vốn với chi phí cao từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc huy động vốn chi phí cao sẽ làm giảm lợi nhuận ròng của công ty và việc phải quản lý, trao đổi, truyền thông với 1 lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ tốn thời gian, công sức và tiền bạc của công ty.

>> Xem thêm: TOP 6 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Việt Nam 2023

Trong đầu tư, lợi nhuận là cần thiết nhưng quan trọng hơn là khả năng thu hồi vốn. Lợi nhuận khủng một cách nhanh chóng khiến nhà đầu tư bỏ qua việc đánh giá khoản đầu tư này có thể thu hồi được không. Với khoản đầu tư có lợi nhuận khủng nhưng không đảm bảo được việc thu hồi vốn, nhà đầu tư đang đối mặt với rủi ro thua lỗ lớn, chính là trường hợp mô hình Ponzi.

Kiểm tra tính minh bạch và pháp lý của công ty

Tính minh bạch và tuân thủ pháp luật là những yếu tố quan trọng để đánh giá độ tin cậy của một công ty tài chính. Từ đó giúp bạn né được bẫy Ponzi.

  • Giấy phép hoạt động: Công ty cần được cấp phép bởi các cơ quan chức năng như Ủy ban Chứng khoán hoặc Ngân hàng Nhà nước.
  • Báo cáo tài chính minh bạch: Một công ty uy tín thường công khai báo cáo tài chính và các thông tin quan trọng khác.
  • Thẩm định độc lập: Ngoài thông tin từ công ty, nhà đầu tư nên tìm hiểu các nguồn độc lập hoặc chuyên gia tài chính để có đánh giá khách quan hơn.

Đầu tư dài hạn và bền vững

Tránh chạy theo lợi nhuận ngắn hạn: Tâm lý muốn giàu nhanh khiến nhiều người tham gia vào các mô hình đầu tư ngắn hạn rủi ro, bỏ qua chiến lược đầu tư bền vững. Điều này càng làm cho bẫy Ponzi “hoành hành”. Những khoản đầu tư dài hạn thường có rủi ro thấp hơn, đồng thời mang lại giá trị gia tăng ổn định theo thời gian. Ví dụ, đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp lớn, trái phiếu chính phủ, hoặc các quỹ đầu tư chỉ số.

Chú trọng đa dạng hóa danh mục: Một danh mục đầu tư đa dạng giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội sinh lời ổn định dài hạn.

>> Xem thêm: Chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư

Kết luận

Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo tài chính nguy hiểm. Không chỉ gây tổn thất nặng nề cho các nhà đầu tư, mô hình này còn làm suy yếu niềm tin và sự ổn định của nền kinh tế.

Việc nhận biết các dấu hiệu lừa đảo và tránh xa mô hình Ponzi là bước quan trọng để bảo vệ tài sản cá nhân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường tài chính. Nên trang bị cho bản thân trước khi bắt đầu đầu tư, tìm hiểu rõ ràng tổ chức, doanh nghiệp mình lựa chọn đầu tư, lựa chọn đa dạng danh mục để giảm thiểu rủi ro, và đừng nên quá tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, sẽ dễ khiến bạn không còn tỉnh táo mà lao vào bẫy tài chính. 

Nền tảng giao dịch HSC ONE với hệ thống giáo dục về đầu tư HSC Edu hoàn toàn miễn phí khi đăng ký tài khoản, giúp bạn bắt đầu quá trình đầu tư vững vàng, an toàn và thu được lợi nhuận bền vững. Chúc bạn đầu tư thành công!

 

Nguyễn Thị Vui
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

phân tích kỹ thuật

Kỹ thuật phát hiện đảo chiều xu hướng với 3 công cụ

Việc phát hiện sớm giá đảo chiều xu hướng là một trong những tín hiệu được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Liệu chỉ số hay cổ phiếu sắp kết thúc...

mẫu hình hai đáy hoặc ba đáy

Mẫu hình 2 đáy hoặc 3 đáy (mẫu hình đảo chiều xu hướng)

Mẫu hình 2 đáy hoặc 3 đáy là 2 mẫu hình đảo chiều xu hướng điển hình trong phân tích kỹ thuật. Những mẫu hình này giúp nhà đầu tư...

sản phẩm chứng khoán

Các sản phẩm chứng khoán tại thị trường Việt Nam từ A-Z

1. Cơ cấu các sản phẩm đầu tư ở TTCK Việt Nam 2. Tổng quan về các sản phẩm đầu tư ♦ Chứng khoán cơ sở được hiểu rộng là...