Các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng

Ngày đăng: 14/01/2025 lượt xem

Mua trái phiếu qua ngân hàng là một giải pháp tiện lợi và an toàn cho các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, từ khả năng trả lãi của tổ chức phát hành, biến động thị trường, đến các điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về trái phiếu, cơ chế giao dịch qua ngân hàng, điểm danh các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng cũng như các lưu ý quan trọng để đầu tư một cách an toàn và hiệu quả.

Sự phổ biến của trái phiếu qua ngân hàng

Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, trong đó nhà đầu tư cho tổ chức phát hành vay tiền, nhận lại khoản lãi định kỳ và hoàn gốc vào thời điểm đáo hạn. Trái phiếu thường được phát hành bởi Chính phủ, doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính.

Để đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể lựa chọn mua trực tiếp từ tổ chức phát hành hoặc mua quan Ngân hàng/ tổ chức tài chính trung gian. Trong trường hợp mua trực tiếp thì nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định nhà nước. Điều này dẫn tới các nhà đầu tư mới còn thiếu kiến thức và kinh nghiệp khó tiếp cận kênh đầu tư trái phiếu. Còn trường hợp mua thông qua kênh phân phối là Ngân hàng/ tổ chức tài chính thì các thủ tục và yêu cầu sẽ đơn giản hơn, giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận.

Nhờ sự tiện lợi và có cảm giác an tâm khi có Ngân hàng tham gia vào quá trình mua/bán trái phiếu, mà hình thức mua trái phiếu qua Ngân hàng trở thành kênh đầu tư được ưu tiên của các nhà đầu tư mới khi tham gia đầu tư tài chính. Các nhà đầu tư tin rằng sự tham gia của ngân hàng mang lại sự đảm bảo cao hơn và hạn chế rủi ro, vì ngân hàng sẽ đánh giá các vấn đề tài chính, dòng tiền, dự án của tổ chức phát hành.

Trên hết là phần lớn các nhà đầu tư này vẫn đang đánh giá sai vai trò của ngân hàng trong hình thức mua trái phiếu này.

Thực tế, Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian, cung cấp dịch vụ mua bán trái phiếu cho khách hàng cá nhân/ tổ chức. Nhờ uy tín của ngân hàng, hình thức này được đánh giá là tiện lợi và ít rủi ro hơn so với các hình thức khác.

rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng
Hình: So sánh hình thức mua trái phiếu trực tiếp từ tổ chức phát hành và mua qua Ngân hàng

Các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng

Bề ngoài, việc đầu tư trái phiếu qua Ngân hàng mang lại sự tiện lợi và mức tin cậy cao cho nhà đầu tư, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng mà nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn hình thức đầu tư này. Những rủi ro này không chỉ xuất phát từ bản thân tổ chức phát hành mà còn từ biến động thị trường, pháp lý và các chi phí liên quan.

Các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng
Các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng

Rủi ro về khả năng trả lãi và gốc của tổ chức phát hành

Rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng đầu tiên là nguy cơ vỡ nợ: Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có nền tảng tài chính vững mạnh. Trong trường hợp kinh tế suy thoái hoặc công ty gặp khó khăn, họ có thể không trả được cả lãi suất lẫn gốc khi đến hạn. Ví dụ, Công ty TNHH Đầu tư Big Gain, với các lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 7/2024, đã không thể hoàn trả hết nợ gốc theo đúng hạn, chỉ trả được 921 tỷ đồng trên tổng 1.000 tỷ đồng về tiền lãi chỉ trả được 104 tỷ đồng trên 113.4 tỷ đồng.

Nhầm lẫn vai trò của ngân hàng:

  • Khách hàng nhầm việc mua trái phiếu qua Ngân hàng là một sản phẩm/dịch vụ của Ngân hàng.
  •  Nhà đầu tư hiểu sai vai trò của Ngân hàng: Ở hình thức mua trái phiếu qua Ngân hàng thì ngân hàng chỉ là một kênh phân phối, không đảm bảo hay cam kết đền bù gì nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán lãi và gốc. Nhưng nhiều nhà đầu tư lại mua vì nghĩ Ngân hàng đang đảm bảo cho khoản vay này.

Rủi ro về lãi suất và thị trường

Rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng tiếp theo là biến động về lãi suất: Khi lãi suất ngân hàng tăng, giá trị trái phiếu giảm, đặc biệt với các trái phiếu có lãi suất cố định. Nhà đầu tư sẽ chịu lỗ nếu muốn bán trái phiếu trước hạn. Ví dụ, vào năm 2022-2023, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thị trường trái phiếu gặp khó khăn vì nhu cầu giảm, làm giá trái phiếu lao dốc.

Tác động kinh tế và chính sách: khi môi trường kinh doanh, các chính sách cho ngành thay đổi dẫn tới nhiều doanh nghiệp không thích nghi kịp sẽ phát sinh tổn thất lớn. Nhiều công ty phát hành trái phiếu để huy động vốn nhưng không sử dụng hiệu quả, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Ví dụ, một số doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2021-2022 nhưng gặp khó khăn trả nợ khi thị trường bất động sản đóng băng vào năm 2023.

Rủi ro thanh khoản: Trái phiếu không phải lúc nào cũng dễ bán trên thị trường thứ cấp. Ví dụ, trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vào năm 2022, nhiều nhà đầu tư muốn bán lại nhưng không tìm được người mua, dẫn đến thiệt hại lớn.

Rủi ro pháp lý và hợp đồng

Thông tin không rõ ràng: Ngân hàng và nhân viên bán hàng đều được hưởng lời từ số lượng trái phiếu bán thành công, dẫn tới có xung đột lợi ích giữa bên phân phối và khách hàng. Để có thể bán được nhiều trái phiếu nhất, một số nhân viên tư vấn có thể không cung cấp đầy đủ các thông tin về điều khoản, các khoản phí liên quan, những rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng khách hàng gặp phải mà chỉ tập trung vào những yếu tố lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Tranh chấp pháp lý: Khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường ở thế yếu vì thiếu kiến thức pháp luật và tài chính, trọng khi các Ngân hàng và tổ chức tài chính luôn có bộ phận pháp lý để xử lý các tranh chấp xảy ra.

Điều khoản bất lợi: Nếu không kiểm tra kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nhà đầu tư có thể bỏ sót điều khoản phạt khi rút trước hạn hoặc hạn chế/cấm nhà đầu tư bán lại trước khi đến đáo hạn. Cũng như những điều khoản về nghĩa vụ và trách nhiệm của người mua. 

Rủi ro phí và chi phí liên quan

Phí giao dịch và quản lý: Dù chỉ là bên trung gian, nhưng Ngân hàng cũng thu thêm các khoản phí giao dịch, phí quản lý tài khoản đầu tư.

Phí phạt khi rút trước hạn: Nếu cần rút vốn trước kỳ hạn, nhà đầu tư có thể phải chịu thêm phí phạt, làm tăng chi phí đầu tư.

Chi phí ẩn: Một số chi phí không được ngân hàng công khai rõ ràng, chẳng hạn phí tư vấn hoặc phí xử lý khi đáo hạn. Các khoản chi phí này không được đề cập rõ trên hợp đồng mua/bán trái phiếu nên cũng là một rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng cần lưu ý.

Các lưu ý và khuyến nghị cho nhà đầu tư

Rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng - Lưu ý khi mua trái phiếu
Lưu ý khi mua trái phiếu

Để tránh các rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng nhà đầu tư nên:

Tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành trái phiếu

  • Đánh giá năng lực tài chính: Xem xét báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ vay, và lịch sử tín dụng của tổ chức phát hành để đảm bảo rằng công ty có khả năng thanh toán lãi và gốc đúng hạn. Một doanh nghiệp tài chính lành mạnh sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ. 
  • Xem xét mục đích sử dụng vốn: Chỉ nên đầu tư vào các tổ chức sử dụng vốn trái phiếu cho các mục tiêu rõ ràng và hiệu quả, như mở rộng sản xuất, thay vì dùng để trả nợ cũ hoặc đầu tư vào các dự án không minh bạch. 

Xem xét cẩn thận các điều khoản hợp đồng

  • Kiểm tra kỹ lưỡng: Hiểu rõ các điều khoản về lãi suất (cố định hay thả nổi), thời hạn đáo hạn, các điều kiện phạt khi rút vốn sớm và trách nhiệm của cả hai bên. 
  • Hỏi rõ ngân hàng: Đặt câu hỏi để làm rõ những điểm chưa hiểu, đặc biệt liên quan đến các khoản phí ẩn hoặc điều khoản phạt. Không ngại yêu cầu giải thích kỹ càng từ nhân viên tư vấn. 
  •  Tránh phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn viên: Một số nhân viên chỉ tập trung bán sản phẩm thay vì cung cấp thông tin đầy đủ về rủi ro. Nhà đầu tư cần tự chủ trong việc đánh giá hợp đồng. 

Tham khảo ý kiến từ chuyên gia độc lập: Để có góc nhìn khách quan, hãy tham vấn chuyên gia tài chính độc lập về mức độ rủi ro và tiềm năng của trái phiếu định mua. Điều này giúp tránh bị ảnh hưởng bởi quảng cáo thiên lệch từ ngân hàng hoặc tổ chức phát hành. 

Theo dõi thường xuyên các yếu tố vĩ mô

  • Quan sát lãi suất: Biến động lãi suất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị trái phiếu. Nếu lãi suất tăng, giá trị trái phiếu trên thị trường thứ cấp có thể giảm mạnh.
  •  Theo dõi tình hình kinh tế và chính sách: Chính sách của Chính phủ, như siết tín dụng bất động sản, hay các biến động kinh tế toàn cầu có thể tác động đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
  • Đánh giá nhu cầu thị trường: Hãy xem xét thanh khoản của loại trái phiếu dự định mua, liệu nó có dễ dàng bán lại khi cần thiết hay không.

Kết luận

Việc mua trái phiếu qua ngân hàng thường được đánh giá cao nhờ sự tiện lợi và cảm giác an toàn mà ngân hàng mang lại. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, để bảo vệ tài sản và tối ưu hóa lợi nhuận, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức tài chính vững chắc, thận trọng đánh giá tổ chức phát hành, và nắm rõ các điều khoản hợp đồng. Đối với các khoản đầu tư lớn, việc tham khảo ý kiến từ chuyên gia độc lập là cần thiết để đảm bảo quyết định đầu tư phù hợp.

Đừng quên rằng, sự sáng suốt và cẩn trọng chính là chìa khóa để quản lý rủi ro khi mua trái phiếu qua ngân hàng và đạt được mục tiêu tài chính.

Với nhà đầu tư mới, việc lựa chọn công cụ phù hợp là yếu tố then chốt để khởi đầu thuận lợi. Ứng dụng HSC ONE cung cấp giải pháp toàn diện, giúp bạn tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.

Đồng hành cùng nền tảng HscEdu với giao diện sinh động và tính năng lưu trữ lộ trình học tập, bạn có thể nhanh chóng trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng và tự tin xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả.

Phan Thị Thu Thuỷ
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Kỹ thuật Arbitrage

Kỹ thuật Arbitrage là gì? 7 Lưu ý khi sử dụng tại Việt Nam

Arbitrage là một trong những kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực đầu tư và giao dịch tài chính, cho phép các nhà đầu tư khai thác sự khác biệt...

giao dịch chứng khoán phái sịnh

4 Bước giao dịch chứng khoán phái sinh cực dễ

Bài viết hướng dẫn nhà đầu tư cách giao dịch chứng khoán phái sinh qua 4 bước cơ bản sau: Mở tài khoản phái sinh, nộp tiền ký quỹ ban...

cổ phiếu ngành điện

Cổ phiếu ngành điện là gì? Danh sách các mã hiện có

Cổ phiếu ngành điện là gì? Cổ phiếu ngành điện là các cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối...