Vì sao quản trị rủi ro là yếu tố sống còn trong giao dịch chứng khoán? (Phần 1)

Ngày đăng: 17/10/2024 lượt xem

Thị trường chứng khoán luôn biến động không ngừng, bên cạnh đó luôn tiềm ẩn các rủi ro tiềm năng khiến nhà đầu tư thua lỗ. Vì vậy, quản trị rủi trong giao dịch chứng khoán là điều kiện tiên quyết để thành công. Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu về nội dung này nhé.

Tổng quan cơ bản về quản trị rủi ro

Quản trị rủi ro là gì?

Rủi ro là những sự việc/sự kiện có thể nhận diện hoặc chưa được nhận diện mà khi xảy ra có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới tổ chức, doanh nghiệp.

Quản trị rủi ro là quá  trình xác định, đánh giá, và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại của các rủi ro trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán

Quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán là việc xác định lợi nhuận tiềm năng trên mỗi vị thế tương ứng với rủi ro tiềm tàng đi kèm. Đây là một quá trình liên tục, vì rủi ro sẽ luôn thay đổi theo thời gian.

Khi nói về giao dịch chứng khoán, là chúng ta đang đề cập tới giao dịch trên thị trường thứ cấp thông qua hệ thống dịch vụ của các công ty chứng khoán, nơi mà các doanh nghiệp đã tiến hành IPO và niêm yết lên trên Sở giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu với  nhau.

Thị trường chứng khoán được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế, do đó, có rất nhiều yếu tố tác động tới giá chứng khoán:

  • Yếu tố quốc tế như: bầu cử Mỹ; giá dầu giá hàng hóa quốc tế; ảnh hưởng địa chính trị;
  • Yếu tố trong nước như: tình hình kinh tế vĩ mô: GDP; lạm phát; tỷ giá;… hay chính sách của Chính phủ, biến động thượng tầng chính trị;
  • Tính hình kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý  thị trường;… cũng ảnh hưởng tới giá chứng khoán.

Chính vì có rất nhiều yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán, nên biến động thị trường có thể bất ngờ và theo xu hướng không mong muốn. Do đó, có biện pháp quản trị rủi ro phù hợp trong giao dịch chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế được thiệt hại.

Hình 1: Bảng tính quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán
Hình 1: Bảng tính quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán

Các loại rủi ro có thể gặp phải khi giao dịch chứng khoán

Quản trị rủi ro là gì - Ví dụ về NVL giá giảm 71%
Hình 2: Các loại rủi ro có thể gặp phải khi giao dịch chứng khoán

Như đã đề cập, thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế, nên sẽ có rất nhiều yếu tố tác động và đi kèm đó cũng có rất nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần phải nhận diện để có phương án xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động giao dịch chứng khoán.

Và sau đây là các rủi ro cần lưu ý:

Rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường còn được gọi là rủi ro hệ thống, là nguy cơ gây tổn thất tài chính do biến động giá trị chứng khoán đầu tư, ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường và không thể phòng ngừa hoàn  toàn bằng cách đa dạng hóa danh mục vì nó liên quan tới các yếu tố tổng thể của thị trường.

Các yếu tố này có thể bao gồm: sự thay đổi về giá cả; thay đổi về chính sách tài chính tiền tệ như tăng giảm lãi suất; tỷ giá;.. sẽ làm tăng giảm giá trị và ảnh hưởng tới giá cổ phiếu; tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu, bất ổn địa chính trị; thiên tai dịch bệnh;…và nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới giá trị của tài sản đầu tư.

Rủi ro thanh khoản

Khái niệm chung nhất về thanh khoản là khả năng chuyển đổi tài sản sang tiền mặt mà không gặp phải tổn thất nghiêm trọng nào.

Trong giao dịch chứng khoán, thanh khoản thị trường cao tức là chứng khoán có nhiều người mua và nhiều người bán hay nguồn cung và nhu cầu đều cao. Nếu có người bán chứng khoán, nhưng bên mua rất ít thậm chí không có lực cầu thì gọi là thanh khoản kém. Khi thanh khoản kém đi kèm bên bán áp đảo bên mua thì bên bán sẽ phải hạ giá chứng khoán cho tới khi bên mua mua vào, và khi cung cầu cân bằng sẽ làm tăng tính thanh khoản của chứng khoán.

Việc hạ giá chứng khoán để bán được (tăng thanh khoản) sẽ gây nên thiệt hại cho nhà đầu tư, và đây được gọi là rủi ro thanh khoản trong giao dịch chứng khoán.

Quản trị rủi ro tài chính - Ví dụ về NVL giá giảm 71% với rủi ro thanh khoản từ 2/11/2022 tới 25/11/2022
Hình 3: Ví dụ về NVL giá giảm 71% với rủi ro thanh khoản từ 2/11/2022 tới 25/11/2022

Rủi ro hoạt động

Rủi ro hoạt động trong giao dịch chứng khoán là rủi ro liên quan đến quá trình giao dịch, quản lý danh mục hay do lỗi hệ thống giao dịch của CTCK, Sở GDCK. Các rủi ro thường gặp phải như:

Rủi ro kỹ thuật như: hệ thống giao dịch bị lỗi khiến nhà đầu tư không đặt lệnh được làm mất cơ hội đầu tư hoặc không kịp bán khi thị trường biến động.

Rủi ro xử lý giao dịch: khi đặt sai lệnh như sai Khối lượng, sai giá, sai mã chứng khoán sẽ làm mất cơ hội hoặc không tối ưu được lợi nhuận.

Rủi ro pháp lý và tuân thủ: nếu CTCK không tuân thủ quy định và quản lý thì có thể đối mặt với các hình phạt, làm ảnh hưởng tới nhà đầu tư sử dụng dịch vụ, hoặc nhân viên của CTCK có các hành vi gian lận, lừa đảo gây thiệt hại hoặc làm lộ thông tin khách hàng.

Và còn rất nhiều rủi ro tiềm tàng mà sẽ phát sinh trong quá trình giao dịch chứng khoán mà nhà đầu tư cần phải lưu ý.

Tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán

Với bất kỳ rủi ro nào cũng có khả năng làm mất vốn của nhà đầu tư, như “Hình 1: Bảng tính quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán” cho ta cái nhìn rõ ràng về tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro.

Với 1 khoản lỗ nhỏ 3%, 5% thì chúng ta cần phải lời trở lại 3.1% hay 5.3% để trở lại mức vốn ban đầu, và việc này có vẻ không quá khó khăn. Nhưng, khi khoản lỗ trở nên lớn hơn như 20% thì vị thế sau phải lời 25%, hay lỗ 50% thì vị thế sau phải lời 100% mới lấy lại được vốn ban đầu.

Và việc đạt được mức sinh lời 50%, 100% không phải là điều dễ dàng, và mức 300% hay 900% được coi là bất khả thi với đại đa số nhà đầu tư.

Nếu không có phương pháp và tuân thủ phương pháp quản trị rủi ro, nhà đầu tư có thể rơi vào trường hợp thua lỗ lớn 50%; 75% hay thậm chí 90% khi đó áp lực tìm kiếm lợi nhuận để bù đắp tổn thất sẽ khiến nhà đầu tư chấp nhận mức rủi ro cao hơn như giao dịch nhiều hơn, sử dụng đòn bẩy (margin) lớn hơn để tìm kiếm lợi nhuận, và song hành đó là rủi ro cao hơn và xấu nhất là nhà đầu tư sẽ mất hết vốn và rời bỏ thị trường.

Vì vậy, quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán rất quan trọng, nếu tuân thủ thì nhà đầu tư sẽ đảm bảo được tính bền vững trong đầu tư và có lợi thế lớn trên thị trường, như khi quản trị rủi ro tốt nhà đầu tư sẽ luôn có sức mua để mua khi thị trường biến động và thu được lợi nhuận cao.

Xây dựng các phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả

Để giảm thiểu thiệt hại trong giao dịch, nhà đầu tư với kiến thức và kinh nghiệm cá nhân cần lựa chọn cho mình phương pháp quản trị rủi ro phù hợp.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Mục đích của đa dạng hóa danh mục là làm giảm tác động của một cổ phiếu lên tổng danh mục.

Nếu một cổ phiếu chiếm 85% danh mục, và cổ phiếu này lỗ 30% sẽ khiến tổng danh mục thua lỗ 25.5% và khi này, cần phải lãi trở lại 34.23% thì mới hòa vốn. Nhưng nếu cổ phiếu này chỉ chiếm 20% danh mục, thì khoản lỗ chỉ còn 6% và các cổ phiếu khác trong danh mục sinh lời có thể làm giảm tác động của cổ phiếu này lên tổng danh mục.

Và câu ngụ ngôn nổi tiếng cho phương pháp này là: không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

Xác định và tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ (stop-loss)

Khó khăn của phương pháp này chính là nhà đầu tư cần duy trì tính kỷ luật cao, đề ra các nguyên tắc trong giao dịch và tuân thủ nguyên tắc quan trọng nhất là cắt lỗ (stop-loss) để giúp nhà đầu tư tránh được các khoản thua lỗ lớn.

Khi một cổ phiếu vi phạm ngưỡng cutloss nhưng nhà đầu tư chần chừ hoặc không tuân thủ kỷ luật và chờ đợi cổ phiếu hòa vốn có thể dẫn tới khoản thua lỗ trở nên lớn hơn, bởi trong thực tế, cổ phiếu khi vi phạm ngưỡng cutloss có thể không quay trở lại được ngưỡng ban đầu hoặc mất rất nhiều năm để quay trở lại.

Việc tuân thủ thực hiện khoản lỗ nhỏ còn giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt khác.

Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh

Sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro (hedging) là một chiến lược hiệu quả giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động mà không cần bán ra cổ phiếu.

Ví dụ: Nhà đầu tư đang sở hữu một danh mục cổ phiếu VN30, và lo ngại thị trường sẽ giảm trong thời gian tới. Nhà đầu tư sẽ thực hiện một lệnh bán hợp đồng tương lai VN30 (short) tương ứng với giá trị danh mục cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu giảm, thì phần lời từ hợp đồng bán sẽ bù đắp cho khoản lỗ, còn trường hợp cổ phiếu tăng sẽ bù đắp cho phần lỗ từ hợp đồng bán VN30 (short).

Như vậy, nhà đầu tư chỉ mất một khoản phí cho hedging vị thế, nhưng hạn chế được rủi ro giảm giá khi biến động thị trường.

Rủi ro luôn song hành cùng lợi nhuận và biến đổi theo thời gian, dù có phương pháp và tuân thủ quản trị rủi ro nhưng vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần phải luôn đánh giá và theo dõi rủi ro thường xuyên để có giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Kết luận

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, Stock Insight đã cung cấp được các kiến thức để nhà đầu tư trả lời cho câu hỏi: VÌ SAO QUẢN TRỊ RỦI RO LÀ YẾU TỐ SỐNG CÒN TRONG GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN? Từ đó, nhà đầu tư có thể sử dụng hiệu quả trong thực tế giao dịch của mình.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học đầu tư tại HSCEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 2: Khai thác sức mạnh của kỳ quan thứ 8: Lãi suất kép
Phần 3: Tư duy như ông chủ Casino: Bài học về quản trị rủi ro và quản lý cảm xúc
Phần 4: Chinh phục thị trường: Quản trị rủi ro không quá 10%
Phần 5: Nghệ thuật quản trị rủi ro: Chiếc la bàn của trader tài ba 

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

tài khoản chứng khoán

Tài khoản thực sự “chết” rồi mới nghĩ cách để “hồi sinh”?

Đầu tư chứng khoán không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những lúc tài khoản của bạn lâm vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng đến mức tưởng chừng...

DGW – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

DGW – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

Ngày 25.04.2024, DGW tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên với các nội dung chính như sau: Kế hoạch năm 2024, DGW đặt kế hoạch bao gồm...

MWG - Cập nhật đại hội cổ đông 2024

MWG – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

Ngày 13.04.2024, MWG tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên với các nội dung chính như sau: Kế hoạch năm 2024 bao gồm doanh thu 125.000 tỷ...