Lãi ròng là gì? Tầm quan trọng của lãi ròng đối với doanh nghiệp

Ngày đăng: 06/07/2024 lượt xem

Khi Warren Buffett – Nhà đầu tư huyền thoại tại phố Wall tìm kiếm những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững để đầu tư, điều đầu tiên ông quan tâm đến chính là lãi ròng và biên lãi ròng của doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để hiểu rõ hơn lãi ròng là gì? Và tầm quan trọng của chỉ số tài chính này.

Lãi ròng là gì? Sự khác nhau giữa lãi ròng và lãi gộp là gì?

Lãi ròng (Net profit) hay còn gọi là lợi nhuận ròng là phần lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi lấy doanh thu trừ đi tất cả các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên báo cáo tài chính lãi ròng được thể hiện ở báo cáo kết quả kinh doanh tại dòng lợi nhuận sau thuế và có thể là con số âm (lỗ) hoặc dương (lãi). 

Lãi ròng là thước đo tốt nhất hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, lãi ròng càng cao doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả và ngược lại.

Khác với lãi gộp (Gross profit) hay còn gọi là lợi nhuận gộp là phần lợi nhuận doanh nghiệp sau khi trừ đi các chi phí sản xuất hàng hóa hoặc chi phí cung cấp dịch vụ, lãi ròng đã bao gồm các chi phí tài chính và nghĩa vụ thuế đã nộp cho nhà nước. Hay nói cách khác, lãi gộp không bao gồm các chi phí tài chính và nghĩa vụ thuế.

Phương pháp tính lãi ròng và các thuật ngữ liên quan

Công thức tính lãi ròng là gì?

Từ định nghĩa có thể suy ra công thức tổng quát tính lợi nhuận ròng như sau:

Lãi ròng = Tổng doanh thu – Tổng chi phí

Trong đó: 

Tổng doanh thu bao gồm:

  • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ
  • Doanh thu hoạt động tài chính
  • Thu nhập khác

Tổng chi phí bao gồm:

  • Giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ
  • Chi phí tài chính
  • Chi phí bán hàng
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Chi phí khác

Ví dụ thực tế về lãi ròng

Để có cái nhìn thực tế cho câu hỏi lãi ròng là gì và nắm rõ cách tính lãi ròng của doanh nghiệp hãy cùng theo dõi ví dụ cụ thể như sau:

Tại bảng kết quả kinh doanh hợp nhất của HPG năm 2023 đã được kiểm toán, lãi ròng được thể hiện ở dòng “Lợi nhuận sau thuế TNDN”, cụ thể được tính theo công thức như sau:

Lãi ròng = Tổng doanh thu – Tổng chi phí

              = (10+21+31+52) – (11+23+25+26+51)=60

Trong đó: 10; 21; 31; 52; 11; 23; 25; 26; 51; 60 tương ứng là mã số trên báo cáo kết quả kinh doanh của HPG (hình bên dưới)

tỷ lệ lãi ròng

Tỷ lệ lãi ròng là gì?

Tỷ lệ lãi ròng (Net profit margin) hay còn gọi là biên lợi nhuận ròng là thước đo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế trên mỗi đồng doanh thu, hay nói cách khác với mỗi đồng doanh thu công ty thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Tỷ lệ lãi ròng càng cao doanh nghiệp kinh doanh càng hiệu quả và ngược lại. Tỷ lệ lãi ròng giúp các nhà quản trị doanh nghiệp đánh giá hiệu quả trong kinh doanh. Như đã nói ở phần đầu, cùng với lãi ròng thì tỷ lệ lãi ròng là một chỉ số quan trọng để Warren Buffett đáng giá một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không?

Tầm quan trọng của lãi ròng đối với doanh nghiệp

Lợi nhuận ròng là công cụ đo lường hiệu quả kinh doanh giữa các kỳ bởi vì lãi ròng trong một kỳ riêng lẻ bản thân nó đôi khi cũng không mang nhiều ý nghĩa vì nó không cho biết doanh nghiệp có cải thiện hiệu quả kinh doanh hay không? Chính vì vậy, lãi ròng thường được so sánh với chính nó ở giai đoạn cùng kỳ qua các năm để đánh giá hiệu quả kinh doanh, từ đó nhà quản trị có thể đưa ra các chiến lược để cải thiện hiệu quả kinh doanh. 

Xây dựng chiến lược quản lý hoạt động doanh nghiệp: từ lãi ròng có thể biết được những khoản mục chi phí không hiệu quả, những khoản chi phí bất thường làm giảm hiệu quả kinh doanh. Từ đó các nhà quản trị sẽ xây dựng hoặc thay đổi chiến lược quản lý hoạt động của doanh.

Cơ sở quyết định đầu tư mở rộng kinh doanh: để mở rộng đầu tư thì doanh nghiệp phải cho thấy được họ đang kinh doanh hiệu quả, chiến lược kinh doanh là đúng đắn, chính vì vậy lãi ròng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu cho quyết định mở rộng kinh doanh.

Ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu và thu hút đầu tư: giá cổ phiếu tỷ lệ thuận với lãi ròng của doanh nghiệp, lãi ròng càng cao và tỷ lệ lãi ròng càng cao thì giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng. Đối với một nhà đầu tư thực thụ họ luôn tìm đến những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt để đầu tư. Nếu lãi ròng của doanh nghiệp luôn dương và có xu hướng tăng trưởng trong dài hạn thì thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.

Các yếu tố trong kinh doanh ảnh hưởng đến lãi ròng là gì?

Sự tăng trưởng doanh thu

Doanh thu là nhân tố trọng yếu ảnh hưởng đến lãi ròng của doanh nghiệp. Doanh thu tăng lãi ròng tăng và ngược lại, doanh thu giảm sẽ dẫn đến lãi ròng giảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lãi ròng không phải lúc nào cũng bằng với tốc độ tăng trưởng doanh thu, nó còn phụ thuộc lớn vào các chi phí sẽ được đề cập ngay dưới đây.

Chi phí sản xuất (Giá vốn)

Là nhân tố trực tiếp tác động đến doanh thu thuần từ đó tác động đến lãi ròng. Chi phí sản xuất tăng dẫn đến lãi ròng giảm và ngược lại, chi phí sản xuất giảm lãi ròng sẽ tăng. Trong hoạt động sản xuất, các nhà điều hành luôn tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất tối ưu nhất có thể để gia tăng hiệu quả.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp

Có tác động tương tự như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng sẽ làm lãi ròng giảm và ngược lại. So với chi phí sản xuất thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp hơn trong tổng chi phí, do đó tác động của nó cũng sẽ thấp hơn.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp, thuế thu nhập là khoản chi phí phải nộp cho cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động. Trên lý thuyết thuế càng cao lãi ròng sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên thuế càng cao cũng cho thấy doanh nghiệp đang tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn. 

Kết luận

Suy cho cùng một doanh nghiệp để phát triển trường tồn thì phải tạo ra được lãi ròng. Các nhà quản trị cần phải theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến lãi ròng để có những chiến lược kinh doanh hiệu quả. Và nhà đầu tư nên tìm kiếm những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua chỉ số lãi ròng và biên lợi nhuận ròng để đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Quốc Dil
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Capex

Capex là gì? Cách tính và ứng dụng Capex trong đầu tư tài chính

Trong quá trình quản lý tài chính và phát triển doanh nghiệp, Capex (viết tắt của “capital expenditures”) là một thuật ngữ quan trọng mà các doanh nhân và nhà...

Chỉ số FTSE 100 được coi là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế Anh. 

Những thông tin cần biết về chỉ số FTSE 100 là gì?

Chỉ số FTSE 100 là gì? Chỉ số FTSE 100 (Financial Times Stock Exchange 100) là một chỉ số đại diện cho 100 công ty có giá trị vốn hóa...

xử lý tài khoản căng margin khi thị trường sụt giảm

Xử lý tài khoản “căng” margin khi thị trường sụt giảm?

Nhận biết tài khoản căng margin Thông thường nhà đầu tư có thể nhanh chóng nhận biết dấu hiệu này thông qua nền tảng giao dịch mà công ty chứng...